Các nước châu Á-TBD tiếp tục thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 21/3, tại Jakarta đã khai mạc cuộc tham vấn khu vực và Đối thoại về Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Các nước châu Á-TBD tiếp tục thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Indoensia, M. Fachir phát biểu khai mạc. (Ảnh: Đỗ Quyên-Trần Chiến/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 21/3, tại Jakarta đã khai mạc cuộc tham vấn khu vực và Đối thoại về Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Cuộc tham vấn có sự tham dự của 43 đại biểu đến từ 28 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) và Chiến dịch Quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN). Sự kiện này do Bộ Ngoại giao Indonesia phối hợp với Bộ Ngoại giao Ba Lan tổ chức.

Diễn đàn tham vấn nhằm mục đích rà soát các bước thực hiện và tiến trình hướng tới thực hiện các thỏa thuận. Việc tham vấn được tổ chức tại các khu vực trên thế giới, sau đó, các đề xuất từ tất cả các khu vực sẽ được tổng hợp đưa lên hội nghị vào năm 2020 của các thành viên tham gia ký kết Hiệp ước. Hội nghị này được tổ chức 5 năm một lần nhằm đánh giá lại nội dung và việc thực hiện Hiệp ước trên thực tế.

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông A. Bugajski, Đại diện của Ba lan tại Văn phòng Liên Hợp Quốc ở Vienna nhấn mạnh những mối nguy cơ đe doạ đến hòa bình của môi trường toàn thế giới trong bối cảnh một số quốc gia phát triển vũ khí hạt nhân và sự cần thiết phải có tiếng nói chung của các nước trước các diễn biến nhằm đạt được mục tiêu toàn cầu về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Indoensia, M. Fachir phát biểu nhấn mạnh 5 điểm: Thứ nhất, các nước cần tiếp tục nỗ lực cùng nhau đảm bảo, duy trì 3 nội dung chính trong Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, toàn bộ số lượng vũ khí hạt nhân hiện tại cần phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh việc để các loại vũ khí này rơi vào tay các loại tội phạm. Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hiện nay cần phải tuân thủ chặt chẽ Hiệp ước về chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Thứ ba, việc phát triển, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ của IAEA, theo luật pháp quốc tế.

Thứ tư, những tiến bộ của Hiệp ước chống vũ khí hạt nhân cần phải được duy trì và có sự cam kết của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Thứ năm, cần có một cơ chế chặt chẽ để kiểm soát cũng như bảo quản các loại vũ khí hạt nhân trên thế giới hiện nay.

Các nước châu Á-TBD tiếp tục thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân ảnh 2 Quang cảnh diễn đàn đối thoại. (Ảnh: Đỗ Quyên-Trần Chiến/Vietnam+)

Bên lề cuộc tham vấn khu vực và Đối thoại, trả lời phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Indoensia, M. Fachir khẳng định: “Indonesia cam kết sâu sắc không chỉ là thành viên phát triển của Hiệp ước vũ khí hạt nhân, mà còn thúc đẩy sự phát triển của thỏa thuận.

Có 3 khía cạnh phải được thực hiện, bao gồm giải trừ vũ khí hạt nhân; cấm phát triển hạt nhân và cuối cùng là việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Đối với khu vực Đông Nam Á, các quốc gia thành viên ASEAN cần tiếp tục thực hiện cam kết không trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và phải cùng nhau nỗ lực hơn nữa để tiếp tục duy trì môi trường hòa bình, ổn định của khu vực.”

Các nước châu Á-TBD tiếp tục thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân ảnh 3 Các đại biểu tham dự sự kiện. (Ảnh: Đỗ Quyên-Trần Chiến/Vietnam+)

Trong 2 ngày 21-22/3, các đại biểu sẽ thảo luận các vấn đề: Những cơ hội và thách thức của Thế giới đến năm 2020 về vấn đề hạt nhân; các vấn đề cốt lõi cần quan tâm; Một số thông số cho năm 2020; Mục tiêu chung của khu vực về vấn đề hạt nhân; Đánh giá Kinh nghiệm 20 năm kể từ Hiệp ước Bangkok về giải trừ vũ khí hạt nhân; Các ưu tiên cho khu vực ​châu Á-Thái Bình Dương…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục