Các nước châu Âu tranh cãi về gói cứu trợ tài chính cho Hy Lạp

Việc Hy Lạp đạt được thỏa thuận mới với các chủ nợ quốc tế đã mang đến một tia hy vọng giúp Athens tránh khỏi kịch bản “Grexit,” song lại đang gây ra một sự chia rẽ không nhỏ giữa các nước châu Âu.
Các nước châu Âu tranh cãi về gói cứu trợ tài chính cho Hy Lạp ảnh 1Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (phải) và Bộ trưởng Tài chính Euclide Tsakalotos rời khỏi Hội nghị thượng đỉnh Eurozone tại Brussels ngày 13/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Hy Lạp ngày 14/7 đã trình Quốc hội xem xét các điều khoản của gói cứu trợ tài chính khắt khe do các chủ nợ đưa ra.

Việc Quốc hội Hy Lạp phải thông qua chương trình cải cách mới là điều kiện bắt buộc để từ đó quốc hội của các nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phê chuẩn gói cứu trợ mới đối với Athens.

Gói cứu trợ thứ ba dành cho Xứ sở các vị thần sẽ bao gồm những cải cách sâu rộng về luật lao động, tiền lương, thuế giá trị gia tăng (VAT) và các loại thuế khác của Hy Lạp.

Tin tức cho hay hiện có khoảng 30 nghị sỹ trong đảng Syriza cầm quyền cho biết sẽ phản đối những yêu cầu cải cách mới nhất từ các chủ nợ quốc tế, buộc Thủ tướng Alexis Tsipras phải cầu viện đến các đảng đối lập có đường lối thân châu Âu để giúp thông qua dự luật trên trong cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 15/7.

Chiến lược gia Kit Juckes thuộc Ngân hàng Societe Generale của Pháp nhận định thỏa thuận đó sẽ chỉ được Quốc hội Hy Lạp thông qua khi có sự giúp đỡ của các đảng đối lập. Thậm chí, điều này là không hoàn toàn chắc chắn.

Việc Hy Lạp đạt được thỏa thuận mới với các chủ nợ quốc tế đã mang đến một tia hy vọng giúp Athens tránh khỏi kịch bản “Grexit” (khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone), song việc đó lại đang gây ra một sự chia rẽ không nhỏ giữa các nước châu Âu.

Vương quốc Anh đã lên tiếng từ chối đóng góp các khoản tài chính “bắc cầu” để giúp Hy Lạp hoàn trả “núi nợ” hiện nay, trong đó có khoản vay trị giá 4,2 tỷ euro (4,62 tỷ USD) mà nước này đang nợ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cũng đã bác bỏ khả năng sẽ trích Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSM) của Liên minh châu Âu (EU) để thực hiện cứu trợ tài chính cho các nước trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (đồng thời nói rằng nước Anh không thuộc Eurozone, do đó ý định “trói buộc” người dân Anh vào thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp là không thể được).

Trong khi đó, một nguồn tin của EU lại cho rằng việc sử dụng quỹ khẩn cấp là “giải pháp khả thi” nhất hiện nay để giúp đưa Hy Lạp ra khỏi khủng hoảng, đồng thời kêu gọi London ủng hộ kế hoạch này.

Ngoài ra, vay song phương sẽ là một lựa chọn khác, với các quan chức châu Âu nhận định rằng Pháp nhiều khả năng sẽ là nhà tài trợ. Tuy nhiên, cũng giống với EFSM, phương thức này cũng cho thấy nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nhấn mạnh tính cấp bách của tình hình Hy Lạp, nhưng nói thêm là các cuộc đàm phán về việc hoàn thiện gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro dành cho Hy Lạp sẽ kéo dài trong ít nhất 4 tuần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục