Các nước "chạy đua" tìm vắcxin phòng cúm H1N1

Các chính phủ và giới khoa học trên thế giới đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những loại vắcxin phòng cúm A/H1N1. 
Trong bối cảnh đại dịch cúm A/H1N1 đang lây lan nhanh, các chính phủ và giới khoa học trên thế giới đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những loại vắcxin phòng dịch mới an toàn và hiệu quả nhất.

Australia là nước đầu tiên trên thế giới thử nghiệm vắcxin phòng cúm A/H1N1 ở người ngày 22/7 vừa qua.

Giới chức Mỹ đang huy động người tình nguyện để thử nghiệm 2 loại vắcxin mới, do công ty sinh dược toàn cầu CSL Biotherapies và Tập đoàn dược phẩm Sanofi Pasteur của Pháp sản xuất.  

Giai đoạn đầu, dự kiến vào tháng 10 tới, được thử nghiệm ở người lớn từ 18 tuổi trở lên nhằm xác định số liều và số micro gram vắcxin cần thiết cho mỗi liều.  

Một số đối tượng sẽ được tiêm phòng cúm A/H1N1 kết hợp với vắcxin phòng cúm thông thường để kiểm tra mức độ an toàn và phản ứng miễn dịch của vắcxin mới, cũng như để quyết định có nên tiêm kết hợp hai loại vắcxin phòng cúm này trong mùa cúm tới vào 3 tháng cuối năm nay hay không.  

Nếu hai vắcxin mới cho kết quả an toàn, các thử nghiệm tương tự sẽ được tiến hành ở những trẻ em khỏe mạnh từ 6 tháng đến 17 tuổi.

Tại Trung Quốc, Công ty kỹ thuật sinh học Hualan đã hoàn tất việc sản xuất vắcxin phòng cúm A/H1N1 từ tháng trước và sẽ thử nghiệm vắcxin này trên hơn 2.000 người tình nguyện ở thành phố Thái Châu thuộc tỉnh Giang Tô.  

Vắcxin mới sẽ được bán trên thị trường từ tháng 9/2009 và công ty có khả năng sản xuất 600.000 liều/ngày.

Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh ngày 22/7 cũng cho biết đã đạt tiến bộ đáng kể trong kế hoạch sản xuất vắcxin phòng cúm A/H1N1 và có thể "tung" vắcxin mới ra thị trường vào tháng 9 tới.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Canada đang thử nghiệm một thiết bị mới có thể phát hiện nhanh những loại virus cúm khác nhau, bao gồm virus A/H1N1 tại bất kỳ nơi nào.

Thiết bị siêu cảm ứng này gồm những tấm silicon nhỏ, mỗi tấm mỏng như sợi tóc con người, được sắp xếp thành hàng trong một con chíp nhỏ.  

Mỗi tấm silicon được tẩm các kháng thể protein và mỗi kháng thể tương ứng với một loại virus cúm. Khi virus cúm bám vào kháng thể, các tấm silicon sẽ bị kéo dãn ra. Khi đó, đèn lazer sẽ báo hiệu và thiết bị sẽ phát tín hiệu báo động tùy theo mức độ nghiêm trọng.  

Nhà vật lý Luc Beaulieu và các đồng nghiệp tại Đại học Memorial (Canada) chế tạo ra thiết bị mới cho biết có thể đặt thiết bị này tại những địa điểm công cộng, văn phòng, bệnh viện, trường học, thậm chí trên máy bay.

Cho đến nay, thiết bị này đã vượt qua các cuộc thử nghiệm tại phòng thí nghiệm và đang trong giai đoạn thử nghiệm khắt khe hơn, kéo dài tới một năm trước khi được sản xuất hàng loạt./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục