Các nước đạt thỏa thuận về chống suy thoái đất

Các thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa đã nhất trí về bộ tiêu chuẩn giám sát và đánh giá mức độ sa mạc hóa, suy thoái đất.
Sau 2 tuần thảo luận, các thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa đã nhất trí về bộ tiêu chuẩn giám sát và đánh giá mức độ sa mạc hóa, hạn hán và suy thoái đất.

Đây là thỏa thuận được Liên hợp quốc đánh giá là thành tựu đột phá trong cuộc chiến chống sa mạc hóa đang tác động đến tất cả các nước trên thế giới.

Phiên họp lần thứ 9 của Hội nghị các bên thuộc Công ước Liên hợp quốc chống sa mạc hóa (UNCCD), được tổ chức tại thủ đô Buenos Aires của Argentina, đã kết thúc ngày 4/10 với sự đồng thuận cao về bộ tiêu chuẩn này.

Đại diện các chính phủ, các nhà khoa học và quan chức Liên hợp quốc tham dự hội nghị khẳng định sự cần thiết phải hoàn tất một chế độ mới toàn diện hơn đối với loại đất nghèo carbon và đặc biệt lưu ý đến việc đảm bảo người nghèo được hỗ trợ công bằng trong cải tạo đất. Hội nghị cũng kêu gọi đánh giá hiệu quả việc chống suy thoái đất.

Thư ký chấp hành UNCCD, Luc Gnacadja, nhấn mạnh thỏa thuận là tin tốt lành đối với Công ước đã có hiệu lực từ năm 1996 này, đồng thời là một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ gửi đến Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tổ chức ở Copenhagen (Đan Mạch) tháng 12 tới.

Trong thông điệp gửi hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ sa mạc hóa, hạn hán và suy thoái đất là một trong những thách thức bức xúc nhất đối với môi trường toàn cầu vì nó gây bất ổn định xã hội, làm gia tăng nạn nghèo đói và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.

Khoảng 3/4 trong tổng số thảm họa trên toàn cầu liên quan đến khí hậu và những thảm họa này làm nghiêm trọng thêm tình trạng sa mạc hóa và suy thoái đất.

Hơn 2 tỷ người trên Trái Đất đang sống trên các vùng đất khô hạn và là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục