Các nước giàu "thôn tính đất đai" thế giới

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách lương thực quốc tế (IFPRI), hơn 20 triệu ha đất nông nghiệp ở châu Phi và Mỹ Latinh hiện đang nằm trong tay các chính phủ và công ty nước ngoài.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách lương thực quốc tế (IFPRI), hơn 20 triệu ha đất nông nghiệp ở châu Phi và Mỹ Latinh hiện đang nằm trong tay các chính phủ và công ty nước ngoài.
 
Đây là một dấu hiệu của tình trạng "thôn tính đất đai" bùng phát từ sau cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008.
 
Giám đốc IFPRI, ông Joachim Von Braun cho biết các nước giàu khan hiếm đất hay nguồn nước đang tìm kiếm đất canh tác ở bất cứ nơi nào trên thế giới để đảm bảo an ninh lương thực cho nước họ.
 
Kết quả công trình nghiên cứu của IFPRI, mang tên "Tình trạng thôn tính đất đai của các nhà đầu tư nước ngoài ở các nước đang phát triển" và được công bố tuần trước, cho thấy có tới 15 - 20 triệu ha đất đai đã được mua hoặc đang ở trong thời gian rao bán.
 
Con số này tương đương với 25% tổng diện tích đất nông nghiệp của toàn châu Âu. Viện IFPRI ước tính các thương vụ mua bán đất đai này có giá trị khoảng 20 - 30 tỷ USD, với 1/4 số dự án là đất canh tác phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học.
 
Nghiên cứu cũng nêu rõ Trung Quốc bắt đầu thuê đất sản xuất lương thực ở Cuba và Mexico từ cách đây 10 năm và đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thuê mướn đất canh tác ở châu Phi.
 
Hiện Bắc Kinh đã ký được các thỏa thuận thuê hàng triệu hécta đất canh tác ở Congo, Zambia, Zimbabwe, Uganda và Tanzania. Hàng nghìn lao động Trung Quốc cũng đã được đưa đến làm việc ở những vùng đất này.
 
Trước thực trạng này, IFPRI đang kêu gọi cộng đồng quốc tế soạn thảo một bộ luật xác nhận quyền sở hữu đất đai của người dân nhằm đảm bảo tính minh bạch, sự chia sẻ lợi ích, khuyến khích sản xuất bền vững có lợi cho môi trường vào đảm bảo an ninh lương thực địa phương./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục