Các nước lên "kịch bản" sau bầu cử lại ở Hy Lạp

Lãnh đạo nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới chuẩn bị các phương án đối phó mọi "kịch bản" có thể xảy ra sau khi Hy Lạp bầu cử lại.
Ngày 17/6, Hy Lạp tổ chức cuộc bầu cử lại, mà kết quả của nó sẽ quyết định liệu Aten có rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hay không.

Lãnh đạo nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới đang chuẩn bị các phương án đối phó với mọi "kịch bản" có thể xảy ra, kể cả một "cơn bão" trên thị trường tài chính, hay tình trạng hoảng loạn ở Hy Lạp cũng như trong khu vực.

Theo giới phân tích, mặc dù quy mô nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm 2,3% kinh tế của Eurozone, chiếm 0,4% kinh tế của toàn cầu, thế nhưng diễn biến tại quốc gia nhỏ bé ở phía Nam châu Âu này lại có thể gây nên "cơn sóng thần tài chính" tác động tới toàn cầu, kéo kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới.

Các nước thuộc Khu vực đồng euro và các nước châu Âu đã chuẩn bị kế hoạch phản ứng nếu xảy ra tình trạng rối loạn trên thị trường khi hiện tượng ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng Hy Lạp tiếp tục diễn ra sau ngày bầu cử 17/6 tới.

Kịch bản này nhiều khả năng xảy ra nếu đảng cảnh tả Syriza, về thứ 2 trong cuộc bầu cử quốc hội Hy Lạp hôm 6/5 vừa qua và chủ trương bãi bỏ thỏa thuận cứu trợ của các định chế tài chính quốc tế, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lại.

Khi đó, Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ cắt nguồn tiền cứu trợ vào quốc gia nợ nần chồng chất này.

Nếu Hy Lạp tiếp tục mua lại trái phiếu và trả lãi suất, nước này có thể lâm vào tình trạng hết tiền vào tháng 7 tới.

Bộ trưởng tài chính các nước Eurozone dự kiến sẽ có cuộc họp trực tuyến ngay trong chiều 17/6, khi cuộc bầu cử lại tại Hy Lạp kết thúc, để thảo luận về những diễn biến mới nhất và phương án hành động tiếp theo.

Trước đó, ngày 11/6, Ủy ban châu Âu (EC) đã trao đổi với các chính phủ trong Eurozone, thảo luận việc xây dựng kế hoạch dự phòng trường hợp Hy Lạp ra khỏi Eurozone.

Các chuyên gia đã tư vấn về vấn đề kiểm soát vốn, bao gồm cả giới hạn rút tiền từ tài khoản ngân hàng Hy Lạp cũng như đưa ra hạn ngạch rút tiền từ máy ATM, và các biện pháp kiểm soát biên giới khẩn cấp trong trường hợp người dân Hy Lạp đổ xô tới biên giới để rời khỏi nước này.

Các nền kinh tế thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) thông báo các ngân hàng trung ương đã sẵn sàng áp dụng những biện pháp cần thiết để ổn định thị trường tài chính, giúp bảo đảm khả năng thanh toán của các ngân hàng trong trường hợp xấu nhất.

Vấn đề này sẽ tiếp tục được bàn thảo tại hội nghị cấp cao G-20, tổ chức ở Mexico vào ngày 18-19/6 tới
.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những biện pháp ứng phó tình hình khẩn cấp đó vẫn chưa đủ, bởi hiện nay, khủng hoảng nợ công châu Âu đã lan rộng tới các nền kinh tế lớn hơn như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy...

Vì vậy, EU cần phải đưa ra biện pháp dự phòng mạnh hơn. Việc dành gói cứu trợ cho hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha như vừa qua là biện pháp cần thiết, song xét về trung và dài hạn, cần phải có những giải pháp mang tính toàn cục và hướng tới tương lai, như khế ước tài chính, liên minh ngân hàng, trái phiếu đồng euro v.v.

Liên quan tới khả năng Hy Lạp rút khỏi Eurozone, nếu như sự việc này diễn ra một cách có trật tự, các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia áp dụng biện pháp vững chắc trong phòng chống khủng hoảng nợ công, thì kinh tế Khu vực đồng euro nói riêng và toàn cầu nói chung sẽ có thể kiểm soát được.

Trong trường hợp ngược lại, diễn biến tại quốc gia nhỏ bé này có thể sẽ làm rung chấn toàn cầu bằng cán cân đồng euro, bởi khi đó, lượng euro mà các ngân hàng Hy Lạp đang nắm giữ sẽ bị tách khỏi lượng tiền euro ở các nước khác thuộc Eurozone, và sẽ được chuyển dần thành một đồng tiền riêng biệt.

Điều này gây tác động tới kinh tế toàn cầu qua ba kênh lòng tin, tài chính và thương mại, từ đó có thể sẽ dẫn đến một "đợt sóng thần" tài chính - kinh tế toàn cầu như năm 2008./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục