Các nước mới nổi cần can thiệp sâu vào các thị trường tài chính

Các nước mới nổi có thể can thiệp sâu vào các thị trường tài chính

Thống đốc Ngân hàng trung ương Mexico cho rằng các nền kinh tế mới nổi có thể phải can thiệp sâu vào các thị trường tài chính như những gì các nước giàu đã thực hiện trong giai đoạn khủng hoảng.
Các nước mới nổi có thể can thiệp sâu vào các thị trường tài chính ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AP)

Phát biểu tại cuộc họp của những người đứng đầu các ngân hàng trung ương tại Paris ngày 12/1, Thống đốc Ngân hàng trung ương Mexico, Agustin Carstens, nói rằng các nền kinh tế mới nổi có thể phải can thiệp sâu vào các thị trường tài chính như những gì các nước giàu đã thực hiện trong giai đoạn khủng hoảng, để đối phó với việc dòng vốn bị rút ra mạnh.

Theo ông Carstens, các nước đang phát triển cần tiến hành các cải cách mạnh mẽ để tăng tốc độ tăng trưởng trong dài hạn. Tuy nhiên, ông cho rằng có thể không đủ thời gian để làm việc đó, do mức độ chảy ra mạnh của dòng vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi, khi một số nền kinh tế phát triển như Mỹ bắt đầu chấm dứt kỷ nguyên lãi suất thấp.

Phát biểu một ngày sau khi đồng peso của Mexico rơi xuống mức thấp kỷ lục mới so với đồng USD, ông Carstens nói rằng trong một số trường hợp đáng ngại nhất, các ngân hàng trung ương của các nước mới nổi có thể phải can thiệp vào thị trường trái phiếu và chứng khoán, không khác nhiều so với những gì đã diễn ra tại các nền kinh tế phát triển trong thời kỳ khủng hoảng. Theo ông, đó là điều không mong muốn nhưng không có lựa chọn nào khác, bởi sự điều chỉnh trên thị trường chứng khoán có thể là quá mạnh, do mức độ thoái vốn lớn.

Ông Carstens kêu gọi các quan chức phụ trách tài chính ở các nước giàu thực hiện việc kiểm tra cách thức các nhà quản lý tài sản lớn, những người mà các quyết định đầu tư của họ thường gây ra những biến động mạnh ở các thị trường mới nổi, đang quản lý thanh khoản, bao gồm việc tiến hành các cuộc sát hạch khả năng chịu sức ép, và cân nhắc áp dụng một số quy định về thanh khoản.

Ông Carstens cũng cho rằng các ngân hàng trung ương ở các nước mới nổi có thể tăng cường phối hợp phản ứng trước biến động thị trường. Ông nói thêm rằng một mạng lưới an toàn toàn cầu như đề xuất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế có thể là tương đối cần thiết với một số nước.

Theo Viện Tài chính Quốc tế, năm ngoái các thị trường mới nổi đã chứng kiến dòng vốn chảy ra ròng lần đầu tiên kể từ năm 1988. Tổ chức này cũng nhấn mạnh đến tình trạng vốn chảy ra ròng tại Trung Quốc và dự đoán những khó khăn lớn hơn ở phía trước các nền kinh tế đang phát triển khi dòng chảy đầu tư giảm sút và chi phí vay mượn tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục