Các nước Nam châu Phi thiết lập mạng lưới giao thông vận tải chung

Các quốc gia miền Nam châu Phi - bao gồm Nam Phi, Angola, Mozambique, Zambia, Namibia, Zimbabwe và Botswana - đã thống nhất thiết lập mạng lưới giao thông vận tải chung vào năm 2016.
Các nước Nam châu Phi thiết lập mạng lưới giao thông vận tải chung ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: wheels24.co.za)

Bộ trưởng Giao thông Vận tải các quốc gia miền Nam châu Phi - bao gồm Nam Phi, Angola, Mozambique, Zambia, Namibia, Zimbabwe và Botswana - đã thống nhất thiết lập mạng lưới giao thông vận tải chung vào năm 2016.

Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải các quốc gia miền Nam châu Phi (SATA), vừa tổ chức tại thành phố Johannesburg (Nam Phi), đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác về lĩnh vực giao thông tại khu vực này, nhất là giao thông đường bộ và hàng hải. Ngoài ra, các bộ trưởng giao thông vận tải khu vực này cũng tập trung thảo luận lộ trình về phát triển hệ thống giao thông đường bộ nối liền các nước thành viên, nhất là các thành phố lớn, khu vực kinh tế trọng điểm, địa điểm du lịch nổi tiếng...,đồng thời hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở về giao thông, thiết lập hệ thống cước phí vận chuyển chung dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế nhưng có xem xét đến tình hình cụ thể của mỗi nước, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và giao lưu thương mại tại khu vực nhiều tiềm năng này.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nam Phi, ông Dipuo Peters nêu rõ việc phát triển hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhất là giao thông đường bộ, là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường phát triển nội khối và thu hẹp khoảng cách về phát triển, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập giữa các nước ở khu vực miền Nam châu Phi.

Bộ trưởng Dipuo Peters cho biết sự kết nối thuận tiện với các quốc gia khu vực, thông qua hệ thống giao thông hàng không, hàng hải, nhất là mạng lưới giao thông đường bộ có thể thúc đẩy kinh tế, du lịch, thương mại và trao đổi văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia ở đây.

Trong bối cảnh nhu cầu giao thông vận tải tại châu lục tăng mạnh những năm gần đây, với khối lượng chuyên chở hành khách và hàng hóa tăng gấp đôi và xu hướng này được dự báo có thể tăng đáng kể trong những năm tới, nên đòi hỏi về vận tải tại khu vực miền Nam châu Phi cũng rất lớn, do tăng trưởng kinh tế nhanh, trao đổi buôn bán, gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa.

Đặc biệt, các nước mới nổi và phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ, đang mở rộng đầu tư và thúc đẩy kinh tế, thương mại với khu vực Nam châu Phi, nên việc mở rộng hoạt động giao thông vận tải sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp địa phương tăng cường liên doanh, liên kết, nhất là tạo ra các trung tâm kinh tế, thương mại và đầu tư khu vực trong tương lai.

Tuy nhiên, hội nghị SATA lần này cũng thừa nhận hiện lĩnh vực giao thông vận tải khu vực đang phải đối phó với nhiều khó khăn, thử thách, trong đó có hệ thống giao thông vận tải, nhất là giao thông đường bộ kém phát triển, thiếu nguồn vốn cho phát triển mạng lưới và sự kết nối, quản lý chặt chẽ giữa các quốc gia trong khu vực về lĩnh vực này. Do vậy, các nước miền Nam châu Phi cần nỗ lực hơn để phối hợp, thực hiện và triển khai có hiệu quả những thỏa thuận và mục tiêu hợp tác trên trong thời gian tới, vì theo nguyên tắc chung của thế giới, lĩnh vực giao thông vận tải bao giờ cũng phải đi trước một bước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục