Các nước nghèo khó tiếp cận vắcxin phòng H1N1

Ngày 14/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Chan cảnh báo nghèo đói sẽ cản trở những nước nghèo tiếp cận với vắcxin phòng cúm A/H1N1.
Ngày 14/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Chan cảnh báo nghèo đói sẽ cản trở những nước nghèo tiếp cận với vắcxin phòng cúm A/H1N1. Bà đồng thời chỉ trích xu hướng các công ty dược phẩm chỉ chú trọng sản xuất vắcxin mới cho các nước giàu.
 
Phát biểu tại hội nghị của Tổ chức quyền Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) ở Geneva (Thụy Sĩ), bà Chan cho biết khả năng sản xuất vắcxin phòng cúm A/H1N1 hiện còn hạn chế, chỉ bằng 25% đến 50% khả năng sản xuất vắcxin phòng cúm thông thường.
 
Với tốc độ này, việc sản xuất vắcxin mới, dù được bắt đầu từ tháng 9 tới theo đề nghị của WHO, cũng không thể đáp ứng cho toàn bộ dân số 6,8 tỷ người trên thế giới. Hơn nữa, nguồn cung cấp vắcxin vốn hạn chế phần lớn sẽ đổ vào các nước giàu, chỉ vì các nước nghèo không có tiền để mua, khiến cho WHO không thực hiện được chính sách chung là các nước giàu và các nước nghèo phải được đối xử bình đẳng trong lĩnh vực y tế.
 
Bà cũng cho biết WHO đang thương lượng với các hãng sản xuất vắcxin phòng cúm A/H1N1 để các hãng này tài trợ hoặc bán rẻ vắcxin cho các nước nghèo, đồng thời kêu gọi các nước giàu chia sẻ một phần dự trữ vắcxin của họ cho các nước nghèo. Hiện đã có hai công ty ủng hộ 250 triệu liều vắcxin mới cho các nước nghèo, nhưng con số này còn quá ít ỏi.
 
WHO đề nghị các nước tiếp tục các chương trình tiêm phòng cúm theo mùa như thường lệ, nhưng chưa khuyến cáo tiêm phòng cúm A/H1N1 đồng thời. Tuy nhiên, Giám đốc phụ trách nghiên cứu vắcxin của WHO Marie-Paul Kieny ngày 13/7 đề nghị tất cả các nước dự trữ vắcxin phòng cúm A/H1N1 để sẵn sàng tiêm chủng cho người dân khi cần thiết, vì đại dịch này đã phát triển ở mức "không thể ngăn chặn được".
 
Nhóm chuyên gia về vắcxin của WHO đề nghị các nước đưa nhân viên y tế vào nhóm đối tượng ưu tiên tiêm phòng cúm A/H1N1 đầu tiên nhằm đảm bảo hoạt động của hệ thống y tế toàn cầu.
 
Tuy nhiên, các nước được tự do quyết định các nhóm đối tượng ưu tiên tiếp theo, có thể ưu tiên phụ nữ mang thai, người béo phì, người mắc bệnh kinh niên và trẻ em, những nhóm đối tượng hoặc dễ bị nhiễm virus A/H1N1, hoặc có thể truyền virus cho người khác nhanh hơn.
 
WHO trước đó ước tính thế giới có thể sản xuất 4,9 tỷ liều vắcxin phòng cúm A/H1N1 vào mùa cúm tới (thông thường vào tháng 9), nhưng với điều kiện việc sản xuất vắcxin mới nhanh như sản xuất vắcxin phòng cúm thông thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục