Các nước phản ứng thận trọng về cuộc trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoại trưởng Áo cho rằng kết quả trưng cầu ý dân phản ánh sự chia rẽ trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ và bày tỏ quan ngại rằng trong bối cảnh này, hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU sẽ phức tạp hơn.
Các nước phản ứng thận trọng về cuộc trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Những người ủng hộ đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan míttinh sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, tại Istanbul ngày 16/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/4, sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố giành được sự ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp, nhiều nước và tổ chức châu Âu đã có những phản ứng đầu tiên khá thận trọng.

Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland cho rằng với kết quả sít sao của cuộc trưng cầu ý dân (với hơn 51% số ý kiến ủng hộ), giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nên "cân nhắc cẩn thận các bước đi tiếp theo."

Ông Jagland nhấn mạnh điều quan trọng là bảo đảm hoạt động độc lập của bộ máy tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ phù hợp với nguyên tắc luật pháp trong Hiệp định Nhân quyền của châu Âu. Ông Jagland khẳng định Hội đồng châu Âu "sẵn sàng hỗ trợ" Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Hội đồng châu Âu, trong tiến trình này.

[EC kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm sự đồng thuận quốc gia lớn nhất có thể]

Phát biểu trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cho rằng kết quả trưng cầu ý dân phản ánh sự chia rẽ trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ và bày tỏ quan ngại rằng trong bối cảnh này, hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu (EU) sẽ trở nên phức tạp hơn.

Về phần mình, Thủ tướng Đan Mạch L.Lokke Rasmussen bày tỏ sự tôn trọng đối với quyết định của đa số người dân Thổ Nhĩ Kỳ, song quan ngại về nội dung Hiến pháp sửa đổi.

Trong khi đó, một quan chức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nêu rõ cuộc trưng cầu ý dân tại Thổ Nhĩ Kỳ là vấn đề của người dân nước này.

Trước đó, Tổng thống Erdogan tuyên bố phe đồng ý sửa đổi Hiến pháp đã giành được hơn 51% số phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 16/4 nhằm gia tăng quyền lực cho tổng thống, tức nhiều hơn phe phản đối 1,3 triệu phiếu. Kết quả này sẽ tạo điều kiện cho ông Erdogan tại nhiệm ít nhất đến năm 2029.

Sau kết quả cuộc trưng cầu ý dân, nhiều người dân ở thành phố Istanbul đã đổ xuống đường để thể hiện sự ủng hộ với Tổng thống Erdogan. Mang theo cờ và đuốc, các đám đông tuần hành về trụ sở của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền tại Istanbul. Các quầy hàng trên đường phố cũng bán khăn, cờ và đĩa CD ghi các bài hát ủng hộ chiến dịch sửa đổi Hiến pháp.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, sau khi tuyên bố chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân về việc thay đổi Hiến pháp, Tổng thống Erdogan cho biết ông đang xem xét việc tổ chức một cuộc trưng cầu khác về việc khôi phục lại án tử hình tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Erdogan tuyên bố ông sẽ ký ban hành nếu Quốc hội trình lên một dự luật với nội dung trên. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể đạt được đồng thuận do phe đối lập phản đối, ông sẽ cân nhắc khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục