Các nước Tây Âu oằn mình chống đỡ với nắng nóng gay gắt

Các nước Tây Âu đang oằn mình dưới cái nắng đầu Hè gay gắt, gây nguy hại tới sức khỏe của những người dễ tổn thương.
Các nước Tây Âu oằn mình chống đỡ với nắng nóng gay gắt ảnh 1Các đài phun nước hoạt động nhằm giảm nhiệt trong bối cảnh nhiệt độ lên tới 44 độ C tại Cordoba, Tây Ban Nha ngày. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nước Tây Âu đang oằn mình dưới cái nắng đầu Hè gay gắt, gây nguy hại tới sức khỏe của những người dễ tổn thương.

Liên hợp quốc cảnh báo các đợt nắng nóng sẽ còn tiếp diễn do biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi các nước áp dụng biện pháp chống nóng như Pháp từng thực hiện từ năm 2004.

Nhiệt độ trong hai ngày đầu tháng Bảy tại Bồ Đào Nha, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Hà Lan và miền Bắc Italy đều không dưới 30 độ C, thậm chí có lúc lên cao đỉnh điểm 40°C-41°C.

Với nhiệt độ tối đa 41 độ C tại tỉnh miền Trung Tolède, Tây Ban Nha đã phải ban bố cảnh báo cháy trên hầu khắp lãnh thổ đất nước.

Tại Pháp, 40/95 vùng được đặt dưới báo động "cam" khi nền nhiệt độ trung bình trong ngày 2/7 tại các vùng này đều tăng cao.

Đỉnh điểm nóng 40 độ C được ghi nhận tại Bordeaux, trong khi khu vực Paris và vùng phụ cận có nguy cơ ô nhiễm tầng ozone.

Những người lái xe được yêu cầu hoặc hoãn di chuyển sang thời điểm khác trong ngày hoặc giảm tốc độ.

Tại Geneve (Thụy Sĩ), nền nhiệt độ từ nay tới ngày 4/7 có thể sẽ lên đến 39 độ C, trong khi đó nhà chức trách Tây Ban Nha dự báo nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài tới 6/7 và tại một số vùng của nước này, nhiệt độ có thể cao tới 44 độ C do ảnh hưởng của gió nóng từ châu Phi thổi tới.

Rút kinh nghiệm từ đợt nóng kỷ lục tại Pháp năm 2003 làm hơn 19.000 người tử vong, chính phủ các nước đã đưa ra nhiều khuyến cáo cho người dân.

Bộ trưởng Y tế Pháp Marisol Touraine ngày 1/7 đã có cuộc họp với các đơn vị cấp cứu, kêu gọi các chủ doanh nghiệp tổ chức lại giờ làm việc nếu có thể.

Trong khi đó, các nhân viên duy tu đường bộ ở Wallonie (Bỉ) được giảm một giờ làm cho đến khi hết đợt nắng nóng.

Tại Anh, Hãng đường sắt British Rail dự kiến giảm tốc độ một số tàu do đường ray bị biến dạng vì nóng, trong khi Bộ Y tế nước này khuyến cáo người dân uống nhiều nước, mặc quần áo màu sáng, đội mũ, không để trẻ em và vật nuôi một mình trong xe hơi…

Tại Tây Ban Nha, báo chí liên tục đăng tải những lời khuyên như buổi tối chỉ ăn nên nhẹ hay tắt các thiết bị điện...

Tương tự ở Hà Lan, ngay từ khi nhiệt độ lên 27 độ C, kế hoạch chống nóng toàn quốc đã được đưa ra, đặc biệt là việc phân phối nước và nước đá tại các viện dưỡng lão.

Lần đầu tiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa phổ biến một cuốn cẩm nang cho các chuyên gia và chính phủ các nước, nêu ra sự cần thiết của các kế hoạch chống nóng.

WHO biểu dương các nỗ lực của Pháp, đồng thời cho rằng dù hệ thống cảnh báo nắng nóng hiện có ở Pháp, Đức và các nước phát triển khác, nhưng vẫn còn khá mới mẻ và không được phổ biến tại phần còn lại của thế giới, nhất là ở Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục