Các nước thuộc EU coi Việt Nam là “điểm sáng nhất"

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết các nước EU, đặc biệt là Italy, rất quan tâm đến thị trường ASEAN, coi Việt Nam là “điểm sáng nhất."
Trong thời gian dự “Diễn đàn Nhận thức về ASEAN” tại Italy trong các ngày 22-23/3 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có một số cuộc gặp song phương bên lề với một số lãnh đạo của Italy và Liên minh châu Âu (EU).

Thứ trưởng đã gặp gỡ Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Antonio Tajani, Thứ trưởng Ngoại giao Italy Marta Dassu, Tổng Vụ trưởng Hợp tác phát triển Bộ Ngoại giao Italy Elisabetta Belloni và đại diện một số doanh nghiệp Italy nhằm trao đổi, đẩy mạnh hợp tác, đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Italy với Việt Nam.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn thông báo với các bên tiếp xúc về tình hình Việt Nam cũng như những thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội, ngoại giao mà nhân dân Việt Nam đạt được trong thời gian qua; đồng thời khẳng định Việt Nam luôn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, rộng mở, tích cực hội nhập quốc tế và khu vực. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cam kết Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp châu Âu và Italy đầu tư thành công tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch EC Tagiani bày tỏ tình cảm tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam; đánh giá cao những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Ông Tagiani rất quan tâm đến thị trường châu Á, đặc biệt là thị trường Việt Nam; khẳng định sẽ góp phần tích cực nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư, đưa quan hệ Việt Nam-EU lên một bước phát triển mới tương xứng với tiềm năng, mong muốn của hai bên. Ông cho biết vào tháng 10/2012 sẽ đưa một đoàn gồm đại diện khoảng 30-50 doanh nghiệp lớn thuộc các nước EU đến tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác tại Việt Nam.

[Việt Nam dự "Diễn đàn Nhận thức về ASEAN” ở Italy]

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Dassu đã trao đổi nhiều biện pháp thiết thực nhằm tăng cường quan hệ song phương, tiến tới kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2013.

Bà Dassu nhấn mạnh Italy mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế; coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực châu Á và sẽ là một đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong hợp tác phát triển với Việt Nam.

Trong giai đoạn 2012-2013, hai bên sẽ tăng cường trao đổi đoàn các cấp, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên trên 3 tỷ USD và tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tăng cường đầu tư vào nhau, kể cả hình thức hợp tác Đối tác Công-Tư (PPP), tập trung vào một số lĩnh vực như hạ tầng giao thông, hệ thống nước sạch, nhà máy điện, y tế và môi trường.

Thứ trưởng Dassu cũng mời Việt Nam tham gia triển lãm tại Milan vào năm 2015, bởi đây là một cuộc triển lãm quy mô, có sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn của Italy cũng như thế giới với nhiều công nghệ mới nhất về lương thực, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...

Tổng Vụ trưởng Hợp tác Phát triển Bộ Ngoại giao Italy Belloni cũng nhấn mạnh sẽ cùng với phía Việt Nam tiếp tục triển khai các dự án hợp tác phát triển đã được hai nước ký kết, đặc biệt là những dự án về y tế, năng lượng.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết các nước thuộc Liên minh châu Âu, đặc biệt là Italy, rất quan tâm đến thị trường ASEAN, coi Việt Nam là “điểm sáng nhất." Các bên tiếp xúc Italy mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, mặc dù Italy đang gặp không ít khó khăn, nhưng phía bạn vẫn xác định Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong viện trợ phát triển ODA, cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, nhất là trong những dự án phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, hai nước đang triển khai chương trình “roadshow” (chương trình giới thiệu và tìm hiểu thị trường lẫn nhau) cho các doanh nghiệp Việt Nam sang kết nối và tìm hiểu tiềm năng của các doanh nghiệp Italy cũng như ngược lại.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết thêm thông qua các buổi làm việc, Việt Nam đã đề nghị Italy đưa Việt Nam vào chương trình viện trợ không hoàn lại nhằm giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; đề nghị đưa sinh viên Việt Nam sang học tại Italy, mở rộng kết nối đào tạo giữa các trường của hai nước; đồng thời đề nghị phía bạn giúp đỡ phối hợp xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học tiên tiến.

Đáng chú ý, hai bên đã nhất trí bắt tay vào nghiên cứu, dự thảo, trao đổi những biện pháp cụ thể để hướng tới nâng cấp quan hệ hai nước trong thời gian tới.

Ngày 24/3, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn rời Italy sang Hy Lạp để khai trương Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp vào ngày 26/3./.

Bình-Thành-Đức/Rome (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục