Các nước tiếp tục xóa nợ cho Haiti sau động đất

Mỹ và Venezuela tuyên bố xóa gần 700 triệu USD cho Haiti sau khi nước này phải hứng chịu thảm họa động đất hồi tháng Giêng.
Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IADB) ngày 22/3 tuyên bố sẽ xóa khoản nợ gần 500 triệu USD cho Haiti sau khi nước này phải hứng chịu thảm họa động đất hồi tháng Giêng vừa qua.

Ngoài ra, thể chế tài chính này cũng đề nghị cấp cho Haiti khoản vay 2 tỷ USD trong mười năm tới nhằm giúp quốc đảo Caribe đẩy mạnh công cuộc tái thiết.

Cùng ngày, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho biết sẽ xóa nợ khoản nợ trị giá khoảng 200 triệu USD cho Haiti. Trong khi đó, Liên minh châu Âu cam kết sẽ viện trợ cho Haiti số tiền lên tới 1,36 tỷ euro trong những năm tới.

Trong một diễn biến liên quan, nhằm thu hút hơn nữa sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Haiti, dự kiến vào cuối tháng này tại New York, ngày 22/3, hai cựu Tổng thống Mỹ là George Bush và Bill Clinton đã tới thủ đô Port-au-Prince của Haiti để gây quĩ viện trợ và đầu tư sau động đất.

Sau cuộc gặp Tổng thống nước chủ nhà Rene Preval, hai cựu chính khách Mỹ nổi tiếng này đã tới thăm các nạn nhân.

Tính đến nay, Quĩ Clinton-Bush cho Haiti đã thu được 37 triệu USD. Nước này hi vọng sẽ được cộng đồng quốc tế viện trợ 11,5 tỷ USD.

Trận động đất mạnh 7,2 độ Richter tại Haiti vào ngày 12/1 đã khiến gần gần 250.000 người thiệt mạng và đẩy hơn 1,3 triệu người vào cảnh vô gia cư.

Ngoài việc phải xây dựng lại các cơ sở hạ tầng bị phá hủy, Haiti cũng phải đối mặt với tình trạng thâm hụt tài chính được dự đoán sẽ vào khoảng 350 triệu USD trong năm nay.

Trong khi đó, tại Chile, nước cũng vừa trải qua trận động đất kinh hoàng, chính quyền của tân Tổng thống Sebastián Pinera đã công bố một số biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai.

Phát biểu trên truyền hình ngày 22/3, Tổng thống Pinera thông báo sẽ tư hữu hóa một số công ty nhà nước nhằm huy động nguồn tài chính để tái thiết đất nước sau trận động đất mạnh 8,8 độ Richter cuối tháng Hai vừa qua.

Ngoài ra, chính quyền cũng áp dụng các biện pháp khác như thắt chặt chi tiêu công, huy động vốn từ các chương trình xã hội không thuộc dạng ưu tiên, sử dụng nguồn dự trữ tài chính của Chile tại nước ngoài và điều chỉnh thuế.

Tân Tổng thống Chile đã quyết định giảm 5% ngân sách chi tiêu của các cơ quan cấp bộ và tuyên bố áp dụng “chính sách kinh tế thời chiến” trong bộ máy nhà nước nhằm giảm bớt chi tiêu.

Dự tính, Chile sẽ tiết kiệm được khoảng 730 triệu USD từ biện pháp này để dành cho Quỹ tái thiết quốc gia.

Theo Tổng thống Pinera, quá trình tái thiết Chile bao gồm 3 giai đoạn: công tác cứu trợ khẩn cấp sẽ kết thúc trong tháng 3 này; việc hoạch định và thu dọn hậu quả sẽ tiến hành trong 6 tháng sau đó và cuối cùng là quá trình tái thiết sẽ kéo dài tới cuối nhiệm kỳ tổng thống 4 năm của ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục