Các nước ủng hộ 1 thế giới không vũ khí hạt nhân

Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, khái niệm một thế giới không vũ khí hạt nhân được tất cả các nước công nghiệp phát triển ủng hộ.
Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, khái niệm một thế giới không vũ khí hạt nhân đã được tất cả các nước công nghiệp phát triển ủng hộ.

Tại cuộc thảo luận của Ủy ban giải trừ quân bị và an ninh quốc tế của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64, đại biểu các nước thành viên Liên hợp quốc nhấn mạnh điều này cho thấy một bầu không khí tích cực nổi lên trong tiến trình giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng lo ngại khả năng một số nước vẫn đơn phương tìm kiếm một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, tăng cường các kho vũ khí nhỏ và kiềm chế việc tiếp cận năng lượng hạt nhân vì mục đích phát triển hòa bình.

Các đại biểu nêu rõ trách nhiệm giải tỏa những lo ngại này phải thuộc về các nước hiện đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Vũ khí phòng thủ và tiến công chiến lược không thể tách rời nhau, vì thế, Nga và Mỹ cần đạt được thỏa thuận giảm mạnh số đầu đạn hạt nhân cũng như số phương tiện phóng đầu đạn, trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng.

Nhiều đại biểu cho rằng chương trình nghị sự về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân đã được tiếp sức sống mới tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 và hy vọng tiến trình này sẽ được đẩy nhanh cả về quy mô và tiến độ sau một thời gian dài trì trệ.

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) phải là trụ cột chính của tiến trình và tất cả các nước tham gia hiệp ước này đều có quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Bên cạnh đó, các nước tuân thủ nghĩa vụ quốc tế mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) quy định theo NPT cũng sẽ không bị cản trở tiếp cận công nghệ hạt nhân dân sự.

Các diễn giả tại cuộc thảo luận cũng đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc ưu tiên giải quyết những thách thức không chỉ từ vũ khí hạt nhân mà còn cả từ vũ khí thông thường. Một hiệp ước về buôn bán vũ khí thông thường có hiệu lực pháp lý bao gồm các tiêu chuẩn phổ quát về xuất nhập khẩu và chuyển giao vũ khí thông thường là cần thiết.

Theo các đại biểu, những nỗ lực cấp quốc gia, khu vực và quốc tế cần phải được tăng cường để kiểm soát các hoạt động môi giới, chế tạo, vận chuyển, chuyển giao, thu thập và phá hủy vũ khí thông thường trước Hội nghị toàn cầu về vũ khí thông thường năm 2010.

Cuộc thảo luận tại Ủy ban Giải trừ quân bị và an ninh quốc tế cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò hiệu quả hơn của Liên hợp quốc trong các nỗ lực giải trừ quân bị cả hạt nhân lẫn thông thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục