Các nước ủng hộ giải quyết hòa bình các bất đồng tại Bắc Cực

Mỹ, Canada, Nga, Đan Mạch và Na Uy hy vọng thông qua đối thoại giải quyết mâu thuẫn liên quan tới chủ quyền lãnh thổ, các tuyến đường biển chiến lược, bảo vệ môi trường và đánh bắt cá.
Các nước ủng hộ giải quyết hòa bình các bất đồng tại Bắc Cực ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Flickr)

Ngày 22/5, các nước có đường biên giới ở Bắc Băng Dương gồm Mỹ, Canada, Nga, Đan Mạch và Na Uy đã tái khẳng định cam kết trong Tuyên bố Ilulissat ký tại Greenland 10 năm trước, theo đó các nước nhất trí hợp tác để giải quyết hòa bình các khác biệt về khu vực Bắc Cực giàu tài nguyên song chưa được khai phá.

Các bộ trưởng và quan chức cấp cao các nước Mỹ, Canada, Nga, Đan Mạch và Na Uy đã nhóm họp trong hai ngày tại thị trấn duyên hải Ilulissat, miền Tây Greenland thuộc Đan Mạch - chính là nơi Tuyên bố Ilulissat được ký kết vào ngày 28/5/2008.

Tại đây, các nước bày tỏ hy vọng thông qua đối thoại giải quyết mâu thuẫn liên quan tới chủ quyền lãnh thổ, các tuyến đường biển chiến lược, bảo vệ môi trường và đánh bắt cá.

Trong tuyên bố đưa ra trước thềm cuộc họp, Ngoại trưởng Đan Mạch Anders Samuelsenb khẳng định 10 năm sau ngày ký kết Tuyên bố Ilulissat, các nước vẫn coi việc giữ Bắc Cực là một "khu vực ít có căng thẳng và nơi tranh chấp được giải quyết hòa bình" là một phần lợi ích quốc gia.

[Các tảng băng ở Bắc cực sẽ biến mất trong một vài năm nữa?]

Trong khi đó, quan chức ngoại giao hàng đầu của Đan Mạch tại Greenland Vivian Motzfeldt cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa và tình hình thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó dự đoán, việc tái khẳng định các giá trị cốt lõi của khu vực này cũng như hòa bình, thịnh vượng cho người dân các nước có đường biên giới ở Bắc Băng Dương là rất quan trọng.

Năm nước Mỹ, Canada, Nga, Đan Mạch và Na Uy còn được gọi là "Nhóm năm nước Bắc Cực." Cùng với Thụy Điển, Phần Lan và Iceland, các nước này hợp thành Hội đồng Bắc cực gồm tám thành viên.

Tảng băng tại Greenland, cũng là tảng băng lớn nhất tại Bắc bán cầu, đang dần tan chảy do hiện tượng Trái Đất ấm lên, làm xuất hiện các tuyến đường thủy tại Bắc Cực và mở ra cơ hội khai thác nguồn tài nguyên giàu có tại đây. Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường và người dân địa phương lo ngại điều này sẽ dẫn tới một cuộc đua giữa các nước mong muốn nắm giữ nguồn lợi này.

Hồi tháng 12/2017, Nhóm năm nước Bắc Cực cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tạm ngừng các hoạt động đánh bắt cá thương mại tại Bắc Cực cho tới khi có thể tiến hành nuôi trồng hải sản tại vùng biển này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục