Các nước Vùng Vịnh dự báo giá dầu tiếp tục giảm trong năm 2016

Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đang đặt mục tiêu duy trì hoạt động bơm dầu vì họ dự báo giá dầu thô trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục đi xuống trong năm 2016.
Các nước Vùng Vịnh dự báo giá dầu tiếp tục giảm trong năm 2016 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Theo giới phân tích tại khu vực Trung Đông, các nhà sản xuất dầu mỏ thuộc Tổ chức Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) sẽ hoãn kế hoạch bảo trì giàn khoan, giếng dầu và hệ thống đường ống cho tới năm 2016 nhằm duy trì sản lượng và giảm chi phí, do lo ngại giá dầu có thể sẽ thấp hơn trong năm 2016.

Mặc dù không đề cập chi tiết việc hoãn kế hoạch bảo trì của từng nhà sản xuất, một số chuyên gia trong lĩnh vực dầu mỏ khu vực cho biết các nước sản xuất dầu mỏ trong GCC đang đặt mục tiêu duy trì hoạt động bơm dầu vì họ dự báo giá dầu thô trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục đi xuống trong năm 2016, khi các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran được dỡ bỏ, cho phép quốc gia Hồi giáo này xuất khẩu nhiều dầu hơn ra thị trường vốn đang trong tình trạng dư cung.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, việc ngừng bơm dầu để tiến hành bảo dưỡng giàn khoan, giếng dầu và đường ống đồng nghĩa với nguồn thu thấp hơn và chi phí gia tăng. Do đó, để duy trì thị phần cũng như đảm bảo nguồn thu giữa lúc giá dầu ngày càng ảm đạm, một số thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) như Saudi Arabia, Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar dự kiến sẽ lùi các kế hoạch bảo trì "không cấp thiết" tại một số mỏ cho tới năm 2016, thay vì quý IV/2015 như dự tính ban đầu.

Một số nguồn tin thị trường Trung Đông cũng cho biết, các công ty dầu mỏ trong khu vực đang cố gắng tranh thủ tìm kiếm lợi nhuận vì họ dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục giảm sút trong năm 2016, khi thị trường dầu mỏ toàn cầu chứng kiến sự trở lại của Iran.

Các nguồn tin này cho hay các nước Saudi Arabia, UAE và Qatar hiện chưa công bố bất kỳ thông tin nào liên quan đến các kế hoạch bảo trì, có nghĩa là sản lượng của các nước này sẽ không thay đổi. Mức sản lượng 3 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2015 của UAE sẽ vẫn ổn định trong quý IV/2015. Theo các số liệu chính thức, Saudi Arabia đã bơm 10,225 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2015, trong khi con số này của Qatar là 663.000 thùng/ngày.

Trong bối cảnh giá dầu giảm hơn 50% kể từ tháng 6/2015, xuống dưới 50 USD/thùng, các nhà sản xuất chủ chốt của OPEC tại Trung Đông đã phải cắt giảm chi tiêu và ngừng đầu tư vào một dự án phát triển dầu mỏ nhằm tiết kiệm ngân sách khi nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm. Giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục biến động theo xu hướng tiêu cực trong năm 2016.

Bộ Dầu mỏ Iran dự kiến trong tháng 12/2015 sẽ thông báo với OPEC kế hoạch tăng sản lượng của mình. Tháng 8/2015, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho biết nước này có thể tăng sản lượng khai thác thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày trong vòng một tuần sau khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ.

Iran từng xuất khẩu 2,5 triệu thùng/ngày trước khi bị cấm vận, nhưng con số này đã giảm xuống 1,2 triệu thùng/ngày năm 2014 và 1,4 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục