Các phái Palestine cảnh báo chính quyền Israel

Sau khi Tổng thống Israel Simon Peres chỉ định thủ lĩnh đảng cực hữu Likud Benjamin Netanyahu thành lập chính phủ mới, ngày 20/2, Chính quyền Palestine do Tổng thống Mahmud Abbas - lãnh đạo phong trào Fatah đứng đầu, tuyên bố sẽ không thỏa thuận với chính phủ mới của Israel nếu không cam kết tôn trọng tiến trình hòa bình Trung Đông.

Sau khi Tổng thống Israel Simon Peres chỉ định thủ lĩnh đảng cực hữu Likud Benjamin Netanyahu thành lập chính phủ mới, ngày 20/2, Chính quyền Palestine do Tổng thống Mahmud Abbas - lãnh đạo phong trào Fatah đứng đầu, tuyên bố sẽ không thỏa thuận với chính phủ mới của Israel nếu không cam kết tôn trọng tiến trình hòa bình Trung Đông.
 
Phát biểu tại thành phố Ramallah thuộc khu Bờ Tây, người phát ngôn của Tổng thống Abbas, ông Nabil Abu Rudeina nêu rõ: "Chính quyền Palestine sẽ không thỏa thuận với Chính phủ Israel nếu họ không chấp nhận giải pháp hai nhà nước, không dừng hoạt động xây dựng các khu định cư Do Thái, và không tôn trọng những hiệp định hòa bình đã ký giữa hai bên".
 
Trong khi đó, phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas - lực lượng hiện đang kiểm soát Dải Gaza, cho rằng Israel đã lựa chọn một chính trị gia "cực đoan và nguy hiểm nhất" để lãnh đạo đất nước. Người phát ngôn Hamas, ông Fawzi Barhum nhấn mạnh, quyết định lựa chọn ông Netanyahu "sẽ không báo trước một giai đoạn hòa bình hay ổn định nào trong khu vực".
 
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 20/2, Chính phủ Mỹ đã cam kết hợp tác với chính phủ sắp tới của Israel, đồng thời vẫn lạc quan về một giải pháp cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Gordon Duguid khẳng định Mỹ là đồng minh lâu dài và vững chắc của Israel. Washington sẽ hợp tác với chính phủ sắp được thành lập của Israel trong các vấn đề song phương cũng như khu vực.
 
Tuy nhiên, ông Duguid nói rằng Washington vẫn hy vọng sẽ có bước đột phá trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, và Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại, nhằm góp phần mang lại ổn định cho khu vực Trung Đông.
 
Việc ông Netanyahu được trao quyền thành lập chính phủ mới đã làm dấy lên những quan ngại rằng một liên minh theo đường lối cứng rắn ở Israel có thể sẽ làm tan vỡ tiến trình hòa bình mong manh tại Trung Đông. Giới phân tích cho rằng ông Netanyahu có thể thành lập một chính phủ cứng rắn, hoặc mời đối thủ chủ trương ôn hòa Tzipi Livni, thủ lĩnh đảng Kadima, tham gia một chính phủ có đa số lớn, đảm bảo sự ổn định chính trị ở Israel và giúp nước này tránh một cuộc đối đầu với chính quyền mới ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
 
Tuy nhiên, sau cuộc gặp với Tổng thống Peres, bà Livni khẳng định sẽ không tham gia một chính phủ cứng rắn và sẽ đưa Kadima trở thành đảng đối lập nếu cần thiết. Trước đó, bà Livni cũng đã gợi ý phối hợp với ông Netanyahu nếu bà được là một đối tác bình đẳng, theo đó mỗi người sẽ làm Thủ tướng một nửa nhiệm kỳ bốn năm. Song, thủ lĩnh đảng Likud đã bác bỏ đề xuất này. Nếu không có bà Livni, ông Netanyahu sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc liên minh với các đảng dân tộc và tôn giáo, vốn phản đối tiến trình hòa bình với người Palestine và các nước láng giềng Arập của Israel.
 
Ông Netanyahu có 6 tuần để tìm kiếm một thỏa thuận với các đảng nhằm thành lập một liên minh cầm quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục