Các quốc gia đang phát triển - 'nạn nhân' khác của Brexit

Viện Nghiên cứu Phát triển Đức (DIE) cho rằng dù đàm phán về Brexit diễn ra theo chiều hướng nào thì tiến trình này cũng sẽ tạo ra thay đổi cơ bản trong chế độ thương mại của Anh với các nước thứ ba.
Các quốc gia đang phát triển - 'nạn nhân' khác của Brexit ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: timeshighereducation.com)

Trong báo cáo mới đây, Viện Nghiên cứu Phát triển Đức (DIE) cho rằng dù các cuộc đàm phán về Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu-EU) diễn ra theo chiều hướng nào đi chăng nữa thì tiến trình này cũng sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản trong chế độ thương mại của Anh đối với đến các nước thứ ba.

Rời khỏi EU, Anh sẽ phải bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại với tư cách thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và mở rộng đàm phán lại nhiều hiệp định thương mại tự do của EU.

Anh cũng sẽ không còn là một phần của Hiệp ước Ưu đãi Tổng quát châu Âu (GSP) hay Hiệp ước Tất cả trừ vũ khí (EBA), cho phép các nước đang phát triển dễ bị tổn thương trả ít hơn hoặc không phải chịu thuế đối với hàng xuất khẩu của họ sang EU.

Các thỏa thuận hợp tác kinh tế (EPA) giữa EU và các nước châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương cũng sẽ không áp dụng cho Anh.

Từ trước tới nay người ta vẫn thường nói nhiều đến tác động tiêu cực của Brexit đối với Anh và EU song ảnh hưởng của sự ra đi này đối với các nước kém phát triển thường bị bỏ qua và chưa có những thảo luận cụ thể nhằm tìm kiếm các đối sách thỏa đáng.

Các nước đang phát triển có mối quan hệ chặt chẽ với Anh sẽ gánh chịu những thiệt hại không hề nhỏ sau Brexit vì thuế nhập khẩu một lần nữa được áp đặt.

Hiện có 49 quốc gia được xếp vào danh sách nghèo nhất thế giới và được hưởng lợi từ chế độ ưu đãi đối với 99% mặt hàng nhập khẩu theo EBA.

[Thủ tướng Anh khẳng định trì hoãn Brexit sẽ không giúp được gì]

Mặc dù các quốc gia này chỉ chiếm 1,15% lượng nhập khẩu của Anh, nhưng tỷ lệ xuất khẩu của họ sang Anh vượt quá 35% ngành may mặc bán sẵn, 21% ngành dệt may và 9% ngành mía đường (dựa trên dữ liệu của Comtrade trong giai đoạn 2013-2015).

Việc mất các ưu đãi này cùng với việc rút tiền từ Anh khỏi EU có thể khiến GDP của các quốc gia kể trên giảm từ 0,01% xuống -1,08%. Campuchia và Malawi sẽ hứng chịu những tổn thất nặng nề nhất bởi đây là các quốc gia có sự lệ thuộc lớn vào thị trường Anh.

Hơn thế nữa, Brexit có thể khiến số người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ (thu nhập 1,9 USD/ngày) tăng gần 1,7 triệu ở tất cả các quốc gia EBA.

Đây cũng mới chỉ là những ước tính thận trọng về tác động tiêu cực của Brexit chứ chưa tính đến các tác động bổ sung của những bất ổn liên quan, hay ảnh hưởng từ việc đồng bảng Anh sụt giá, London cắt giảm viện trợ, lượng kiều hối sụt giảm và đầu tư bị hạn chế.

Theo DIE, Anh phải có những biện pháp cụ thể giảm thiểu các tác động bất lợi đối với các quốc gia dễ bị tổn thương về kinh tế.

Một số giải pháp có thể tính đến là “sao chép” các Hiệp ước EU hiện đang cấp quyền tiếp cận ưu đãi đối với hàng hóa từ các nước nghèo nhất thế giới, xây dựng chính sách thương mại thân thiện với sự phát triển của Anh với quyền tiếp cận ưu đãi đối với nhập khẩu dịch vụ và quy tắc tích lũy về xuất xứ, cũng như cung cấp viện trợ tốt hơn cho các sáng kiến thương mại.

EU cũng có thể hỗ trợ các quốc gia này bằng cách thực hiện các quy tắc tích lũy về xuất xứ một cách tự do hơn và áp dụng một phần ưu đãi của mình đối với hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng thấp từ các quốc gia được xem xét.

Tuy nhiên, bản thân các nước đang phát triển cũng phải có sự chủ động và linh hoạt để đối phó với bối cảnh mới.

Theo DIE, các nước này nên đa dạng hóa các thị trường và ngành công nghiệp xuất khẩu cũng như tham gia vào chuyển đổi kinh tế để giảm bớt sự lệ thuộc vào thương mại, viện trợ và đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Anh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục