Các tập đoàn tài chính kích hoạt phương án dự phòng hậu Brexit

Trong bối cảnh Anh bước vào một tuần then chốt cho các cuộc đàm phán rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, ngành tài chính nước này cũng đang bắt đầu khởi động các phương án “tự cứu lấy mình."
Các tập đoàn tài chính kích hoạt phương án dự phòng hậu Brexit ảnh 1Trung tâm tài chính London gồm văn phòng của các ngân hàng HSBC, Citigroup, JPMorgan Chase, Barclays, ... (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại London, trong bối cảnh Anh bước vào một tuần then chốt cho các cuộc đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, ngành tài chính nước này cũng đang bắt đầu khởi động các phương án “tự cứu lấy mình.” 

Hãng tư vấn Oliver Wyman dự báo Anh có thể mất 40.000 việc làm trong lĩnh vực thương mại, chứng khoán và đầu tư do hậu quả của Brexit. Giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính của hãng này, ông Patrick Hunt cho biết các ngân hàng và tổ chức tài chính hiện không còn có thể trông đợi thêm vào kết quả đàm phán của chính phủ.

[Vương quốc Anh mong muốn đẩy mạnh tiến trình đàm phán Brexit]

Thực tế, họ đang triển khai các phương án tự cứu mình, tập trung vào các giải pháp nhân sự, tăng cường chi nhánh tại châu Âu và dự trù về hạ tầng kỹ thuật dịch vụ nhằm đảm bảo các hoạt động tài chính không bị gián đoạn trong trường hợp không có thỏa thuận hoặc giai đoạn chuyển tiếp nào giữa Anh và EU sau thời điểm Anh chính thức rời EU vào tháng 3/2019.

Bên cạnh các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn, các công ty bảo hiểm và quản lý tài sản cũng đã bắt đầu triển khai phương án dự phòng hậu quả Brexit, phổ biến nhất là việc mở thêm các chi nhánh và bổ sung nhân sự tại Luxembourg hoặc Dublin.

Động thái của các tập đoàn tài chính diễn ra trong bối cảnh các chính trị gia Anh vẫn đang bị cuốn vào tranh cãi kéo dài suốt mùa Hè năm nay về viễn cảnh đàm phán hiện nay sẽ dẫn đến kịch bản tồi tệ nhất là “Brexit cứng”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục