Các thầy pháp Nepal trở lại chinh phục phương Tây

Sau nhiều thập kỷ, các thầy pháp của Shaman giáo đã trở lại và được người phương Tây trọng dụng để chữa lành thương tổn trong tâm hồn.
Cơ thể của bà bắt đầu lắc giật, khi bà lẩm nhẩm một câu thần chú cổ, trong tiếng trống tưng bừng, nhằm rút các linh hồn "rắn độc" ra khỏi người một thanh niên Nepal trẻ, vốn đã để linh hồn bị lạc lối.

Những chiếc chuông sắt buộc quanh áo sơmi trắng của Parvati Rai rung lên khi bà nhún nhảy và quằn quại trong trạng thái như xuất thần, đầu bà - vốn được trang điểm như một con công, lắc qua lắc lại một cách liên hồi, tay vươn ra hướng về phía bệnh nhân.

Ở phía dưới, tại một tòa nhà hiện đại nằm ở ngoại ô Kathmandu, những người phương Tây đang chăm chú chứng kiến nghi lễ.

"Chàng trai này đã để mất linh hồn mình và chúng tôi đang giúp cậu ta tìm lại nó," Mohan Rai, sáng lập viên Trung tâm Nghiên cứu Shaman giáo Nepal năm 1988, cho biết khi ông giúp bà Parvati Rai hoàn tất nghi lễ.

Sau nhiều thập kỷ hiện đại hóa, các thầy pháp (shaman) đã gần như bị xóa sạch. Tuy nhiên những "pháp sư đô thị" như Rai đã trở lại và được trọng dụng bởi những người Nepal trung lưu sống ở thành phố, hoặc người phương Tây muốn được chữa lành thương tổn trong tâm hồn hoặc được đánh thức tri giác.

Ông Mohan Rai cho biết: "Shaman giáo đã 75.000 năm tuổi. Nhưng nó đang chết dần tại các ngôi làng và tôi muốn giữ cho truyền thống này được sống tiếp." Ông cho rằng các tín ngưỡng thông thường và chính quyền đã có những tác động giết chết shaman giáo.

"Tôi có hàng ngàn học viên mỗi năm và ngày càng nhiều trong số họ là những người phương Tây tới tìm kiếm phương thức chữa trị cho thứ mà y học phương Tây đã bó tay. Một số học viên của tôi cũng là bác sỹ, muốn kết hợp shaman giáo vào công việc của họ," Rai cho biết thêm.

Các pháp sư, được biết tới với tên dhami-jhankris ở Nepal, đã thực hành shaman giáo hơn 75.000 năm qua. Họ tuyên bố có khả năng tìm thấy được linh hồn lạc lối của bệnh nhân, bằng cách di chuyển giữa 3 thế giới, vốn kết nối với nhau qua cây bất diệt Kalpa Vriksha. Họ nói rằng bản thân có thể giao tiếp với các linh hồn sống trong 3 thế giới này.

Tobias Weber, 33 tuổi, một nông dân đã đi từ Đức tới Nepal, nói rằng ông bị thu hút bởi shaman giáo sau khi đã mất niềm tin vào y học phương Tây.

Trả lời phỏng vấn của AFP, Weber cho biết: "Shaman giáo làm tốt những gì các bác sỹ và y tá phương Tây có thể thực hiện. Nếu anh bị gãy tay, anh tới bệnh viện. Nhưng anh cũng có thể được lợi rất nhiều từ việc chữa trị linh hồn, điều mà anh chưa từng trải nghiệm qua."

Laura Martino, một người Australia, đang tham gia khóa học tại trung tâm của Rai bày tỏ ước nguyện muốn giúp người dân ở quê nhà cô tại Melbourne kết nối với phần linh hồn của họ.

"Tôi tới đây với một tâm hồn cởi mở và tôi làm thế vì đã có được những trải nghiệm tuyệt vời ở đây, như tham gia các chuyến leo núi hay ngủ lại trong nghĩa địa. Tôi nghĩ rằng thế giới phương Tây đã đánh mất thứ gì đó khi tiến hành nghiên cứu về chữa bệnh và chúng tôi thật sự cần phải kết nối trở lại với thiên nhiên," Martino chia sẻ.

Tuy nhiên shaman giáo cũng vấp phải sự chỉ trích ở Nepal, nơi sự mê tín có gốc gác xa xưa có thể mang tới những hậu quả nghiêm trọng. Tuần trước, người dân ở phía Nam Nepal đã đánh đập một người hàng xóm và thiêu sống bà này, bởi tay thầy pháp trong làng nói bà là phù thủy.

Vụ việc đã gây phản ứng phẫn nộ lan rộng và Thủ tướng Baburam Bhattarai đã phải kêu gọi người Nepal không nên tin theo các cáo buộc do những pháp sư đưa ra.

Ravi Shankar, một giáo sư tại Đại học Y học ở Pokhara cho biết: "Trong các ngôi làng, những người chữa bệnh tinh thần như thầy pháp đều là dân làng và rất được tín nhiệm, trong khi các bác sỹ chữa bệnh tây y lại tới từ thành phố, thị trấn và bị xem là những kẻ "ngoại đạo"."

Rất nhiều học giả ở phương Tây tin rằng các pháp sư đã dựa vào cái gọi là "hiệu ứng trấn an" - vốn là khuynh hướng của bất kỳ liệu pháp điều trị nào, ngay cả với những liệu pháp không có hiệu quả, để giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe, bởi nó giúp người ta tin tưởng mãnh liệt vào khả năng khỏi bệnh./.

Gia Bảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục