Sau bão số 14: Ổn định cuộc sống

Các tỉnh chủ động khắc phục thiệt hại do bão số 14

Sau khi bão số 14 đi qua, các tỉnh đang rà soát thiệt hại; tiến hành khắc phục hậu quả để người dân sớm trở lại cuộc sống thường nhật.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình, do ảnh hưởng của bão HaiYan (bão số 14), đêm 10/11 sáng 11/11 trên địa bàn tỉnh có mưa to trên diện rộng với lượng mưa đo được từ 28,3 mm đến 50 mm; vùng ven biển huyện Kim Sơn có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Nhờ chủ động trong công tác phòng chống bão theo phương châm "bốn tại chỗ" nên tỉnh Ninh Bình không xảy ra thiệt hại về người và tài sản. Một số diện tích trồng ngô vụ đông ở các huyện Gia Viễn, Yên Khánh bị mưa gió làm ảnh hưởng về năng suất nhưng không đáng kể.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng, lưu ý sau bão số 14, huyện miền núi Nho Quan phải tích cực, chủ động phòng, chống lũ lụt trong trường hợp nước thượng nguồn có khả năng dồn về.


Đối với huyện Gia Viễn, địa phương cần bố trí nhân lực thường xuyên tuần tra kiểm soát các khu vực trọng điểm, nhất là hệ thống đê xung yếu.

Riêng đối với đập tràn Lạc Khoái, cán bộ kỹ thuật trực 24/24 giờ, sẵn sàng vận hành xả tràn khi có yêu cầu, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, phấn đấu giảm thiệt hại thấp nhất do lũ lụt gây ra.

Tại Bắc Giang, bão số 14 đã gây nhiều thiệt hại về tài sản của nhân dân, gần 550ha lúa, ngô, hoa màu ở các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Việt Yên cũng đã bị đổ, nghiêng...

Do ảnh hưởng của bão số 14, nhiều khu vực trong tỉnh có gió cấp 5, cấp 6, giật cấp 8, cấp 9; lượng mưa trong toàn tỉnh phổ biến từ 30-50mm, một số nơi có lượng mưa lớn như Sơn Động 100mm, Cẩm Đàn 80mm.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc; kiểm tra, rà soát, tổng hợp nhanh tình hình thiệt hại; kiểm tra các công trình phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn.

Các công ty khai thác công trình thủy lợi thống kê diện tích úng ngập, kiểm tra hoạt động các trạm bơm, đảm bảo bơm tiêu kịp thời, chống úng ngập. Các đơn vị quân đội đảm bảo lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn.

Sau những ngày tránh trú bão tại các huyện ven biển của Nghệ An là Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Cửa Lò, Diễn Châu, đến chiều 11/11, 4.017 tàu thuyền đánh bắt thủy sản của tỉnh Nghệ An với 20.083 lao động trực tiếp trên tàu thuyền đã chính thức được ra khơi để đánh bắt hải sản.

Ngoài ra, 55 tàu thuyền đánh bắt thủy sản với trên 420 lao động của các tỉnh khác (tất cả đều là tàu thuyền công suất lớn, đánh bắt xa bờ) được ra khơi để tìm ngư trường tiếp tục khai thác hải sản.

Theo kế hoạch, học sinh các trường học trong tỉnh Nghệ An được nghỉ học đến hết ngày 12/11 để tránh bão Haiyan, nhưng do bão không đổ bộ vào địa phương nên học sinh sẽ trở lại trường học bắt đầu từ sáng 12/11./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục