Các tỉnh họp khẩn nhằm tìm phương án ứng phó với cơn bão số 14

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa cùng với các sở, ngành, chính quyền các địa phương tổ chức họp khẩn lên các phương án ứng phó với với cơn bão số 14.
Các tỉnh họp khẩn nhằm tìm phương án ứng phó với cơn bão số 14 ảnh 1Quang cảnh cuộc họp của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Sáng 18/11, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cùng với các sở, ngành, chính quyền các địa phương tổ chức họp khẩn lên các phương án ứng phó với với cơn bão số 14.

Tỉnh Ninh Thuận thực hiện lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi đánh bắt kể từ sáng 18/11, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ nhân dân các khu vực ven biển chằng chống nhà cửa hoàn thành các công việc trước 21 giờ tối nay.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện tàu, thuyền và thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

[Sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm, chủ động ứng phó với bão số 14]

Hiện tại, Ninh Thuận có 2.651 phương tiện nghề cá với 16.474 lao động hoạt động. Số tàu, thuyền đang hoạt động trên biển 679 chiếc với 5.275 lao động đã liên lạc được, còn 1.972 chiếc tàu thuyền đang neo đậu tại các bến, cảng.

Ban quản lý các cảng cá tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền; kịp thời hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các khu neo đậu tránh, trú bão ven biển, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

Bộ đội biên phòng tỉnh duy trì liên lạc thường xuyên với các chủ tàu thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa đã tích đầy nước do địa phương quản lý, đảm bảo an toàn công trình và khu vực vùng hạ du. Các lực lượng xung kích, công an, bộ đội các địa phương tổ chức trực 24/24 giờ để kịp thời hỗ trợ người dân ứng phó với cơn bão số 14.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết rút kinh nghiệm từ công tác ứng phó với cơn bão số 12 vừa qua, tỉnh sẽ huy động cả hệ thống chính trị tập trung ứng phó với cơn bão số 14. Các địa phương, ban, ngành có kế hoạch cụ thể, kịp thời giúp người dân triển khai chằng chống nhà cửa tại các khu vực xung yếu vùng ven biển, vùng núi; sẵn sàng di dời người dân để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Trong khi đó, trưa 18/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng đã tổ chức họp khẩn, nhằm triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 14 đang di chuyển nhanh về phía khu vực Nam Trung Bộ.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa, tỉnh hiện có 240 tàu thuyền với trên 1.550 thuyền viên đang hoạt động trên các vùng biển. Các phương tiện này đã được thông báo và nắm thông tin về hướng di chuyển của cơn bão số 14 để tìm nơi tránh trú an toàn.

Các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương triển khai lực lượng, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa.

Từ 12 giờ ngày 18/11, các trường học cho học sinh nghỉ học, các tàu đánh bắt thủy sản, tàu du lịch và phương tiện đường thủy không được ra khơi.

Cùng ngày, ngư dân ở trên các tàu cá và hộ nuôi trồng thủy sản ở trên lồng bè trên biển, bắt buộc phải trở vào bờ trước 16 giờ. Công tác sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển và thấp trũng, đến nơi an toàn hoàn thành trước 19 giờ...

Kết luận buổi họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh nhấn mạnh các ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho người dân biết về cơn bão số 14, thông qua cơ quan báo chí, phương tiện tuyên truyền lưu động và tin nhắn điện thoại; tập trung cắt, tỉa cây xanh; hướng dẫn và hỗ trợ người dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm, chằng chống nhà cửa; quyết liệt di dời người dân ở trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản và trên tàu thuyền; ngăn cấm tất cả phương tiện và người dân ra biển; khẩn trương gia cố các hồ chứa; duy trì hệ thống thông tin liên lạc.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục