Các tỉnh khẩn cấp triển khai ứng phó với bão số 6

Đến 18 giờ ngày 7/8, toàn bộ gần 10.600 tàu, thuyền đánh bắt thủy sản và gần 500 tàu du lịch tại Quảng Ninh đã về nơi tránh trú bão.
Đến 18 giờ, ngày 7/8, toàn bộ gần 10.600 tàu, thuyền đánh bắt thủy sản và gần 500 tàu du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã về nơi tránh trú bão an toàn, không có tàu nào được phép ra khơi cho tới khi thời tiết ổn định.

Các địa phương đã tổ chức kiểm đếm, chằng buộc trên 1.200 lồng bè, bè mảng an toàn tránh bão.

Trước đó, khoảng 16 giờ 30 phút, thành phố Hạ Long đã có gió giật mạnh cấp 7, 8; mưa lớn giật từng cơn; tầm nhìn xa trên biển dưới 100m.

Trước diễn biễn bão số 6, các lực lượng chức năng Quảng Ninh đã khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống. Ngành giao thông tỉnh chỉ đạo các nhà thầu đang xây dựng trên các công trình, các hạt quản lý đường bộ khẩn trương khắc phục hậu quả sạt lở do đợt mưa xảy ra từ trưa nay gây ra; tiếp tục gia cố những vị trí xung yếu trên các tuyến quốc lộ, các tuyến tỉnh lộ để tránh sạt lở tiếp theo, bảo đảm giao thông được thông suốt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu.

[Hải Phòng: Đi xem bão, bị sóng cuốn trôi mất tích]

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam triển khai phương án phòng, chống lụt bão, chủ động khơi thông hệ thống thoát nước tránh gây sạt lở bùn, đá, ngập lụt xuống các khu dân cư.

Các công ty quản lý thủy nông chủ động xả tràn, tháo nước đệm đề phòng mưa lớn gây ngập úng. Các địa phương miền núi, các khu đô thị triển khai các phương án đề phòng mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất đá, ngập lụt và sạt lở ở các khu dân cư;

Chiều 7/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có Công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan trong công tác phòng, chống bão; tiếp tục chủ động thực hiện các phương án bảo đảm an toàn cho các tuyến đê biển, nhất là các tuyến đê đang triển khai thi công; triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, các công trình đang thi công ven sông, ven biển; dừng hoạt động bốc xếp hàng hóa trên bến cảng.

Các công sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp triển khai phương án chằng chống các công trình và di chuyển người ra khỏi các công trường, bảo đảm an toàn tính mạng cho người và tài sản, máy móc, thiết bị.

Trong khi đó, tỉnh Hưng Yên cũng đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cơn bão số 6 có thể gây ra.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Hưng Yên đã kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị các loại vật tư, phương tiện, máy móc, nhân lực tại 10 huyện, thành phố thành phố trên địa bàn.

Tại xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào đã xuất hiện ngập úng diện rộng ảnh hưởng trầm trọng đến diện tích lúa mùa; tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) và xã Tân Hưng (Tiên Lữ) là những nơi có diện tích nhãn lớn của tỉnh cũng đang có nguy cơ ngập úng cao.

Các địa phương và đơn vị chức năng đã khơi thông dòng chảy tại kênh Lê Như Hổ, sông Tân Hưng, mở cửa các cống, sửa chữa những hư hỏng, thay thế thiết bị, tu sửa công trình thủy lợi, đặc biệt là cống tiêu ra sông ngoài, trạm bơm tiêu lớn và khẩn trương củng cố tôn cao, áp trúc những vị trí xung yếu của bờ vùng, bờ bao đảm bảo chống tràn khi có mưa, bão úng xảy ra.

Hệ thống công trình thủy lợi được huy động tối đa vào công tác phòng chống lụt bão, úng. Các trạm bơm xã Chính Nghĩa (Kim Động), xã Trung Hòa (Yên Mỹ) cùng 2 trạm bơm Văn Phú A và Văn Phú B (Mỹ Hào) đã được kiểm tra kỹ lưỡng sẵn sàng đối phó với bão số 6.

Ngành chức năng đã chuẩn bị phương án gạn tháo, tiêu thoát nước đệm hợp lý, khoa học; khi tiêu úng thực hiện theo phương châm “chôn, rải, tháo”. Những khu vực khó khăn về tiêu nước sẽ được khoanh vùng, chuẩn bị máy bơm dã chiến, bơm dầu bằng mọi biện pháp bơm tát nước để tiêu úng bảo vệ sản xuất và tài sản của nhân dân./.


(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục