Các tỉnh miền Bắc lại đương đầu với siêu bão Utor

Hiện này, các địa phương ở phía Bắc đang gấp rút chuẩn bị các biện pháp chủ động ứng phó với bão số 7 Utor đang diễn biến phức tạp.
Hiện này, các địa phương ở phía Bắc đang gấp rút chuẩn bị các biện pháp chủ động ứng phó với bão số 7 Utor đang diễn biến phức tạp.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bão số 7. Huyện Tiên Yên chỉ đạo và kiểm tra toàn bộ các khu vực xung yếu trên địa bàn như các tuyến đê và điểm neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, các đầm nuôi trồng thủy sản; kêu gọi 370 chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh, trú bão; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lực lượng phòng chống bão; triển khai phương án di dời 19 hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Thành phố Móng Cái lập 4 đoàn công tác đi kiểm tra tại các địa bàn các xã phường từ chiều 13/8, kiểm tra các khu vực xung yếu như: đê điều, hồ đập thủy lợi, đầm nuôi trồng thủy sản, điểm neo đậu tàu thuyền trên sông, các khu dễ bị sạt lở; đôn đốc các xã chủ động phương án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong các khu đô thị, tiến hành chặt tỉa cành cây, kiểm tra các điểm dễ xảy ra ngập úng để có biện pháp chống úng ngập kịp thời. Các lồng bè nuôi thủy sản, các tàu thuyền được yêu cầu về nơi neo đậu an toàn trước 16 giờ ngày 14/8.

Đến chiều 14/8, 1.242 tàu thuyền đã về nơi neo đậu an toàn. 1.860 tàu vận chuyển hàng hóa trên sông Ka Long, Bắc Luân thường xuyên được thông báo tình hình diễn biến cơn bão. Xã Hải Xuân tổ chức lực lượng tiếp tục gia cố đoạn xung yếu đê Lò Vôi với chiều dài 200m…

Tại huyện Hải Hà, toàn bộ tàu thuyền của huyện đã vào trú bão an toàn tại các điểm tránh trú bão ở Hải Hà, Cô Tô, Móng Cái, Vân Đồn và Nghệ An.

Huyện cũng yêu cầu 65 hộ dân có chòi nuôi nghêu không được đưa lao động ra làm việc; chằng chống 337 ngôi nhà yếu; xây dựng phương án di dời 21 nhà có nguy cơ sạt lở trên địa bàn.

Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương cử lực lượng canh phòng, cảnh báo người dân không đi qua sông suối, đề phòng lũ cuốn trôi; có phương án bảo vệ các ao, hồ nuôi trồng thủy sản; lên phương án di dời các hộ dân có nguy cơ bị ngập lụt do lũ, kết hợp triều cường tại những vị trí thấp, khu vực ven sông; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh chủ động các biện pháp ứng phó với bão số 7.

Theo dự báo, hoàn lưu của bão có thể sẽ gây mưa lớn và nguy cơ lũ lớn trở lại trên hệ thống sông Cầu, sông Công. Để giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ gây ra, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Ban chỉ huy các huyện, thành phố, thị xã và các sở, ban, ngành triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại công trình đê điều, hồ, đập và vùng hạ du.

Đối với công trình Hồ Núi Cốc, các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc vận hành điều tiết hồ chứa đúng quy trình, thống nhất kế hoạch xả lũ, đảm bảo an toàn hạ du. Một số địa bàn chủ động di dời dân ở các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, núi, bãi thải các hầm, mỏ khai thác khoáng sản, các ngầm qua sông suối....

Các địa phương tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu, tổ chức kiểm soát người qua lại tại các khu vực ngầm, đường bị ngập để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 và số 6 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã có 1 người chết; gần 350 ngôi nhà bị ngập, tốc mái; hàng nghìn ha lúa và hoa mầu bị hư hại; nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, sạt lở; 40 cột thông tin bị đổ; gần 6.000m dây thông tin bị đứt… gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Hiện chính quyền địa phương và người dân vùng bị ảnh hưởng của bão đang tập trung khắc phục hậu quả./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục