Các tỉnh thành miền Trung tăng cường công tác thông tin đối ngoại

Trong thời gian tới, công tác thông tin đối ngoại tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo tình hình; kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp định hướng dư luận nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm, mới nảy sinh.
Các tỉnh thành miền Trung tăng cường công tác thông tin đối ngoại ảnh 1Người dân tra cứu thông tin tại Cụm thông tin đối ngoại cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ngày 7/7, Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại các tỉnh miền Trung đã diễn ra tại thành phố Huế, nhằm đánh giá tình hình thực hiện hoạt động thông tin đối ngoại sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2015.

Đại diện Ban chỉ đạo Trung ương về công tác thông tin đối ngoại, lãnh đạo Ban Tuyên giáo sáu tỉnh, thành miền Trung là Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi tham dự hội nghị.

Ông Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực-Ban chỉ đạo Trung ương về công tác thông tin đối ngoại, cho biết kết luận số 16 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, xác định rõ "Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài." Điều đó khẳng định thông tin đối ngoại là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ phát triển đất nước.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định công tác thông tin đối ngoại vừa là một bộ phận của công tác tư tưởng, vừa là bộ phận của công tác đối ngoại, có nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử con người Việt Nam, thông tin về tình hình trong nước, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quan điểm lập trường của Việt Nam về vấn đề khu vực và quốc tế. Thực tiễn cho thấy công tác đối ngoại đã có những bước phát triển vượt bậc, Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương và biện pháp thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại với phương châm chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng.

Tại hội nghị, các đại biểu được tiếp thu những nội dung cơ bản, liên quan đến công tác thông tin đối ngoại, một số lưu ý trong công tác tuyên truyền hiện nay; một số kiến thức cơ bản về công tác thông tin đối ngoại và kinh nghiệm quốc tế; hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam và công tác đấu tranh của Việt Nam... Đây cũng là dịp để các địa phương trong vùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tiếp thu lĩnh hội những nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra về công tác thông tin đối ngoại trong thời kỳ mới, phương pháp vận dụng thông tin đối ngoại phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, góp phần đẩy mạnh hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn.

Trong thời gian tới, công tác thông tin đối ngoại tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo tình hình; kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp định hướng dư luận nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm, mới nảy sinh; đấu tranh dư luận, đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch xung quanh các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền.

Các địa phương tiếp tục chủ động, tích cực, đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp với các đối tượng tuyên truyền cụ thể, đạt hiệu quả. Công tác tuyên truyền huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị; nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng, các tầng lớp nhân dân; qua đó khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc; đồng thời gắn công tác tuyên truyền thực hiện công tác thông tin đối ngoại với các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, các ngày lễ lớn của đất nước và các sự kiện quan trọng khác, cũng như tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục