Các tổ chức doanh nghiệp lớn của Mỹ phản đối tình trạng bạo loạn

Tổ chức đại diện cho hơn 200 CEO của các doanh nghiệp Mỹ cho rằng tình trạng hỗn loạn tại thủ đô của nước Mỹ là kết quả của những nỗ lực đi ngược lại luật pháp nhằm đảo ngược kết quả của cuộc bầu cử.
Các tổ chức doanh nghiệp lớn của Mỹ phản đối tình trạng bạo loạn ảnh 1Người biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington D.C ngày 6/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các tổ chức doanh nghiệp lớn của Mỹ ngày 6/1 đã chỉ trích việc người biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống vừa qua đã chiếm Quốc hội, với một tổ chức nêu lên khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ bị tước quyền.

Những tuyên bố được đưa ra trong một ngày mà đám đông người biểu tình đã tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ sau khi ông Trump giành lợi thế theo kết quả kiểm đếm phiếu bầu đang diễn ra tại Quốc hội, trong lúc ông đang nỗ lực ngăn cản Quốc hội trong việc công nhận các kết quả bầu cử, bước cuối cùng trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden của đảng Dân chủ bước vào Nhà Trắng vào cuối tháng này.

Trong một thông báo, tổ chức phi lợi nhuận Business Roundtable cho rằng tình trạng hỗn loạn tại thủ đô của nước Mỹ là kết quả của những nỗ lực đi ngược lại luật pháp nhằm đảo ngược kết quả của cuộc bầu cử.

[Mỹ triển khai Vệ binh Quốc gia để giữ trật tự ở Washington]

Tổ chức đại diện cho hơn 200 giám đốc điều hành (CEO) này kêu gọi ông Trump và những quan chức có liên quan kết thúc tình trạng hỗn loạn và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển giao quyền lực. 

Trong khi đó, CEO Phòng Thương mại Mỹ, Thomas J. Donohue, nói các cuộc tấn công nhằm vào tòa nhà Quốc hội phải được chấm dứt.

Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà chế tạo quốc gia, Jay Timmons, kêu gọi Phó Tổng thống Mike Pence xem xét một cách nghiêm túc việc viện dẫn bản sửa đổi lần thứ 25 Hiến pháp Mỹ, theo đó ông được phép tạm thời giữ chức Tổng thống sau khi ông Trump bị tước quyền.

Hiệp hội các nhà chế tạo quốc gia ủng hộ chương trình nghị sự của ông Trump trong việc bảo vệ các nhà chế tạo Mỹ, nhưng ông Timmons nói ông Trump đã kích động bạo loạn trong nỗ lực giành lại quyền lực và bất kỳ nhà lãnh đạo đắc cử nào bảo vệ ông là đang vi phạm lời tuyên thệ trước Hiến pháp.

Không đề cập đến cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng tình trạng bạo loạn luôn là điều không thể chấp nhận, nhấn mạnh đến việc phải tôn trọng Hiến pháp và tiến trình dân chủ.

Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon, nói những người lãnh đạo được bầu có trách nhiệm kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo loạn, chấp nhận kết quả bầu cử và ủng hộ quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình như trong trong hàng trăm năm qua.

Giám đốc điều hành Citigroup, Michael Corbat, cũng phản đối cuộc tấn công, cho rằng công việc quan trọng tại Quốc hội sẽ tiếp tục và những người biểu tình phải giải trình cho những hành động của họ.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn IBM, Arvind Krishan, nói tập đoàn này phản đối tình trạng hỗn loạn tại Quốc hội và kêu gọi việc chấm dứt ngay lập tức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục