Các tổ chức phi chính phủ tiếp tục giúp Quảng Nam

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhưng Quảng Nam còn nhiều khó khăn và tiếp tục kêu gọi giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế.
Tại Hội nghị tăng cường hợp tác giữa Quảng Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức ở Hà Nội ngày 24/11, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã kêu gọi sự quan tâm, giúp đỡ và tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đối với địa phương.

Phát biểu tại đây, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Trần Kim Hùng cũng nêu lên các lĩnh vực cụ thể cần ưu tiên đầu tư như nông lâm nghiệp, y tế sức khỏe, vệ sinh môi trường, hạ tầng giáo dục, phát triển cộng đồng, nâng cao năng lực cán bộ.

Đại diện 4 huyện Phú Ninh, Tây Giang, Nông Sơn và Tam Kỳ tham gia hội nghị đã đưa ra một số  dự án kêu gọi đầu tư cụ thể như xây dựng trung tâm nuôi, dạy trẻ em bị nhiễm dioxin trên địa bàn huyện Phú Ninh với tổng vốn khoảng 1,8 triệu USD; dự án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo với kinh phí 3 tỷ; xây dựng nhà ở học sinh trường Tiểu học xã Ẫn, huyện Tây Giang khoảng hơn 1,2 tỷ đồng.

Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Nam cho biết giai đoạn 2005-2009, tổng nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho Quảng Nam tăng bình quân 5-7% hàng năm. Các khoản viện trợ này đều phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vướng mắc trong việc triển khai các dự án tài trợ này như yêu cầu phần vốn đối ứng của địa phương quá cao, có dự án lên đến 45% tổng giá trị công trình.

Trong khi đó, địa phương hưởng lợi thường là những xã, huyện khó khăn, ngân sách hạn hẹp, mức sống của người dân thấp nên việc huy động nguồn vốn đối ứng rất khó khăn.

Năm 2008,toàn tỉnh có 58 dự án được triển khai với tổng giá trị giải ngân đạt khoảng 1,4 triệu USD. Con số này trong 6 tháng đầu năm 2009 đạt khoảng 2,1 triệu USD.

Các dự án do các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tín dụng nhỏ, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai và bình đẳng giới.

Ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, cho rằng thời gian qua, quy mô  viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại tỉnh Quảng Nam còn nhỏ, thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các khoản viện trợ khẩn cấp trong các đợt thiên tai giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

Bởi vậy, ông Hồng cũng bày tỏ mong muốn các mô hình hợp tác và giúp đỡ của các tổ chức này thời gian tới sẽ chuyển mạnh sang hình thức các dự án, chương trình dài hạn với giá trị lớn.

Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, Quảng Nam hội tụ nhiều yếu tố để phát triển và hội nhập quốc tế với 2 di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn, có bờ biển dài, có đường biên giới giáp Lào, có cửa khẩu quốc gia Nam Giang nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây nối các tỉnh Nam Lào, Đông-Bắc Thái Lan, Campuchia, Myanmar với khu vực miền Trung ra Biển Đông.

Tuy vậy, tỉnh hiện còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là từng gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Cũng theo ông Vũ Xuân Hồng, số lượng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hợp tác và giúp đỡ Việt Nam đã tăng lên hơn 750 so với khoảng 200 tổ chức vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Giá trị viện trợ giải ngân của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài  tại Việt Nam cũng liên tục tăng, năm 2005 đạt 175 triệu USD, năm 2008 đã tăng lên 250 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, viện trợ khẩn cấp, giải quyết các vấn đề xã hội và tham gia các chương trình xây dựng năng lực cho các đối tác của việt Nam.

Hội nghị lần này do Ủy Ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Ban Điều phối viện trợ nhân dân PACCOM tổ chức./.

Trong giai đoạn 2005-2009, có 67 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến hoạt động tại tỉnh Quảng Nam, tài trợ cho hơn 400 chương trình, dự án và phi dự án với tổng giá trị hơn 431 tỷ đồng, trong đó, riêng năm 2009 là 90 tỷ đồng.
Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục