Các tổ chức tội phạm châu Á kiếm 90 tỷ USD mỗi năm

Theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, hàng năm, các tổ chức tội phạm châu Á kiếm được khoảng 90 tỷ USD.
Theo kết quả một cuộc điều tra do Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) công bố hôm 16/4, hàng năm, các tổ chức tội phạm châu Á kiếm được khoảng 90 tỷ USD từ các hoạt động phạm pháp khác nhau.

Trong báo cáo mang tên "Tội phạm có tổ chức xuyên biên giới tại Đông Á và Thái Bình Dương: đánh giá mối đe dọa," UNODC cho biết hàng năm, bọn tội phạm có tổ chức ở Đông Á và Thái Bình Dương kiếm được khoảng 90 tỷ USD từ từ các hoạt động khác nhau như buôn bán hàng giả, ma túy, buôn người và động vật quý hiếm.

Trong 12 lĩnh vực điều tra, UNODC tập hợp thành 4 nhóm chính gồm con người (buôn người và đưa người nhập cư bất hợp pháp), ma túy (buôn bán heroin và méthamphétamine), môi trường (buôn bán động thực vật, lâm sản, chất thải điện tử...) và cuối cùng là hàng hóa (hàng giả và thuốc lậu).

Lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận nhất chính là sản xuất và buôn bán hàng giả. Hàng năm, hoạt động này mang về cho các băng nhóm tội phạm khoảng 24,4 tỷ USD, đứng thứ hai là buôn lậu gỗ (17 tỷ USD), tiếp đó là heroin (16,3 tỷ USD) và chất gây nghiện méthamphétamine (5 tỷ USD). Lĩnh vực sản xuất và buôn bán thuốc giả, linh kiện điện tử cũ mang lại khoảng 3,57 tỷ USD, buôn bán trái phép động vật quý hiếm trong diện bảo vệ cũng mang lại 2,5 tỷ USD.

Các băng nhóm tội phạm có tổ chức cũng kiếm được hàng trăm triệu USD mỗi năm từ hoạt động buôn người, nhất là buôn bán phụ nữ cho các ổ mại dâm.

Các hoạt động này cũng đã gây ra những tác động xấu trong khu vực. Theo ông Sandeep Chawla, Phó Giám đốc UNODC, lượng heroin tiêu thụ trong vùng chắc chắn tăng mạnh. Trung Quốc là nước có nhiều người sử dụng ma túy nhất và Myanmar là nước sản xuất ma túy lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, Jeremy Douglas, đại diện của UNODC tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương lo ngại rằng hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tới vấn đề sức khỏe của con người.

“Khoảng từ 1/3 cho tới 90% số thuốc chống sốt rét ở Đông Nam Á được kiểm nghiệm là thuốc giả. Số thuốc giả này có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ, có thể gây chết người hoặc dẫn đến tăng khả năng kháng thuốc," ông nhấn mạnh.

Theo Tổ chức Hải quan Thế giới, 75% số lượng hàng giả bị bắt giữ trên toàn thế giới từ năm 2008 tới 2010 có xuất xứ từ Đông Á, chủ yếu là từ Trung Quốc./.

Hoàng Long/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục