Các trung tâm thương mại Pháp: Hết thời ‘làm mưa làm gió’?

Theo khảo sát mới đây của Les Echos, mô hình các trung tâm thương mại, từng một thời “làm mưa làm gió” khiến các cửa hàng nhỏ lẻ phải chịu lép vế, nay lại đang bị tấn công do các nền tảng kỹ thuật số.
Các trung tâm thương mại Pháp: Hết thời ‘làm mưa làm gió’? ảnh 1Kiểm tra thân nhiệt trước khi vào một trung tâm thương mại. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Các trung tâm thương mại tại Pháp đang tìm hiểu các mô hình khác nhau để tồn tại và phát triển trong bối cảnh lượng khách hàng của họ bị sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 đã khiến người dùng chuyển hướng sang mua hàng trực tuyến.

Cuộc khảo sát mới đây của nhật báo Les Echos cho thấy mô hình các trung tâm thương mại, từng một thời “làm mưa làm gió” khiến các cửa hàng nhỏ lẻ phải chịu lép vế, nay lại đang bị tấn công bởi các nền tảng kỹ thuật số. Xu hướng cạnh tranh này có thể được nhìn thấy rõ trong những năm gần đây, nhưng lại được khắc họa rõ nét hơn bởi cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Với Amazon hay Alibaba, "người tiêu dùng hiện có trong tay những trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới," Antoine Frey, Chủ tịch của tập đoàn bất động sản Frey của Pháp, đã nhận xét hóm hỉnh như vậy. Tuy nhiên, đây lại thực sự là một “cơn ác mộng” đối với những trung tâm thương mại truyền thống có thế mạnh là tập hợp dưới một mái nhà tất cả hàng hóa và dịch vụ của cuộc sống hàng ngày. 

Chủ sở hữu của các trung tâm thương mại ở Pháp, từ Unibail (URW) đến Altarea cho đến Klépierre, chỉ còn biết tự hỏi làm thế nào để thuyết phục các thương hiệu tiếp tục thuê mặt bằng và thu hút người Pháp trở lại trải nghiệm thú vui mua sắm ở chỗ họ?

Chẳng cần chờ lâu nữa để nhìn thấy các vị trí bị đảo ngược giữa những thánh đường của sự mua sắm và không gian mạng đa thương hiệu không giới hạn. Nếu 800 trung tâm mua sắm ở Pháp từng rất tự hào vì chiếm đến 25% thị phần thương mại bán lẻ nước này, các chuyên gia bán hàng trực tuyến cũng đang rất tự tin mà dự đoán rằng các kênh mua sắm trên mạng của họ sẽ nhanh chóng chiếm 20% “chiếc bánh” này vào năm 2030.

Trong cuốn sách "Nền tảng tiêu dùng" (NXB Gallimard, 2021) của mình, nhà kinh tế học Philippe Moati miêu tả sự thay đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng của khách hàng kể từ khi khủng hoảng dịch bệnh bắt đầu. Ông cho rằng các trung tâm mua sắm truyền thống, do chỉ hoạt động trong giới hạn 10 tiếng/ngày, lại bị đóng cửa bởi các quy định cách ly toàn xã hội và hạn chế trong đại dịch, họ đã phải chứng kiến lượng khách sụt giảm nghiêm trọng.

[Năm 2021, kinh tế Pháp tăng trưởng cao nhất trong 52 năm]

Theo số liệu của Hiệp hội các trung tâm thương mại Pháp, dịch bệnh đã khiến lượng khách hàng ở các trung tâm này trong năm 2020 giảm 28,1% so với năm 2019, và một lần nữa giảm thêm 0,8% vào năm 2021. Trong khi đó, các giao dịch thương mại trực tuyến mở cửa suốt ngày đêm đã đạt được những con số tăng trưởng không ngừng, đặc biệt là trong 4 năm trở lại đây. Do dịch bệnh bùng phát, đại bộ phận người dân đã phải chấp nhận các quy định hạn chế ra ngoài, thậm chí nhiều người còn thấy tiện lợi hơn khi làm việc ở nhà và mua sắm trên mạng.

Salvatore Perri, Giám đốc và cổ đông của chuỗi nhà hàng Vapiano ở Pháp, cho biết nhà hàng của ông là một trong những đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng mua sắm đang diễn ra. 20 trong tổng số 33 nhà hàng đồ Italy của ông nằm trong các khu trung tâm thương mại lớn như Les Quatre Temps. 

Tại khu văn phòng Paris-La Défense, lượng khách hàng đã giảm 40% trong hai năm qua do COVID-19. Hình thức làm việc tại nhà đã tước đi một phần lớn lượng khách hàng vào giờ ăn trưa của Vapiano. Trong khi đó rạp chiếu phim, trong cuộc cạnh tranh với Netflix, cũng không còn mang lại dòng người đến xem vào buổi tối và sự trỗi dậy của thương mại điện tử đã khiến lượng khách đến các cửa hàng sụt giảm nghiêm trọng, ông Salvatore Perri xác nhận.

Tăng cường mua sắm trực tiếp kết hợp với trực tuyến

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là hình thức tiêu dùng truyền thống đã đến hồi kết. Theo khảo sát của Sociovision từ năm 2021, đa số người Pháp vẫn mong muốn trở lại cuộc sống "bình thường như trước đây" để được đến các trung tâm mua sắm. Sự gia tăng 9,5% số người đến các trung tâm này vào tháng Một vừa qua đã xác nhận mong muốn này.

"Dù không thể cạnh tranh với sự tiện ích của việc ngồi nhà mua sắm và so sánh giá trên Internet vào bất kỳ lúc nào, nhưng sở thích đến trung tâm thương mại để tận hưởng thú vui đi dạo, gặp gỡ và giao lưu với nhau vẫn còn ngự trị trong một xã hội không chỉ có vật chất."

Nhận xét này của Jean-Marc Jestin, Chủ tịch Klépierre cũng được nhà xã hội học Rémy Oudghiri, Tổng Gám đốc của Sociovision, xác nhận: "Nhiều người thích gặp gỡ bạn bè hoặc gia đình ở đó để đi xem phim hoặc đi dạo quanh ngắm các cửa hàng."

Điều này mang lại một nguồn hy vọng cho các công ty bất động sản, chủ đầu tư của các trung tâm thương mại. Điều quan trọng là làm thế nào để vừa giữ chân các khách thuê cửa hàng, và cũng thu hút khách đến mua hàng. Và cuộc khủng hoảng COVID-19 đã thôi thúc việc đưa ra các đề xuất, sáng kiến mới.

Trong cái khó, ló cái khôn

Quyết tâm không để làn sóng kỹ thuật số lấn át, các trung tâm mua sắm đang phấn đấu trở thành các trung tâm giao dịch đa chiều, đa phương tiện, kết hợp giữa thương mại truyền thống và ứng dụng kỹ thuật số, đáp ứng mọi kỳ vọng của người tiêu dùng cũng như người bán hàng.

Các trung tâm thương mại Pháp: Hết thời ‘làm mưa làm gió’? ảnh 2(Nguồn: Martech)

Ngoài việc tiếp tục thú vui đi ngắm cửa hàng, người tiêu dùng có thể dễ dàng thực hiện việc mua bán trên trang web của cửa hàng, nhận hoặc trả hàng tại nhà, hoặc ở các điểm giao dịch. Trong khi đó, bên bán hàng cũng tiết kiệm được chi phí nhờ thương mại điện tử và giữ chân khách hàng của họ bằng các gói khuyến mại đầy hấp dẫn, tăng cường tính tiện ích của trang bán hàng trực tuyến bằng việc liên kết với các đối tác khác.

Đối với những người bán hàng chưa có trang web riêng, các chủ trung tâm thương mại có thể đề nghị họ tham gia trang mua sắm điện tử của trung tâm. Dịch vụ cung cấp không gian và giới thiệu các thương hiệu ra đời trên Internet đã góp phần tạo ra mô hình kinh doanh thương mại theo chiều dọc, loại bỏ các trung gian từ thượng nguồn đến hạ nguồn, từ sản xuất đến phân phối, và đây cũng là một phần của chiến lược cải cách mà các trung tâm thương mại đang hướng tới.

Để duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh, tập đoàn Vapiano đã ứng dụng cách làm này. Bên cạnh việc duy trì thói quen bán hàng truyền thống, Vapiano đã mở rộng phương thức bán hàng trực tuyến. Thậm chí để đáp ứng với sự bùng nổ của các đơn đặt hàng trên mạng, chuỗi nhà hàng Vapiano đã mở thêm các "bếp ăn đêm" ở những nơi dễ tiếp cận cho các nhân viên giao hàng của Uber Eats hoặc Deliveroo.

Cédric Ducarrouge, Giám đốc hoạt động cho thuê bất động sản thương mại tại Pháp của công ty JLL, cho biết các hoạt động thương mại sắp tới của tập đoàn sẽ xoay quanh khía cạnh sức khỏe và hạnh phúc. Đó là những nhu cầu đang nổi lên, được người tiêu dùng quan tâm nhiều nhất kể từ khi có cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Đây là hoạt động có thể tiếp thêm sinh lực cho các trung tâm thương mại ở mọi quy mô, ở mọi nơi trên lãnh thổ và có lợi thế là ít bị ảnh hưởng bởi công nghệ kỹ thuật số.

Tại Unibail, sự tăng tốc đã có thể thấy rõ. Một trong hai địa điểm của trung tâm thương mại này đã cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Về phần mình, Galimmo (Tập đoàn vận hành trung tâm thương mại liền kề với các đại siêu thị Cora) đặt mục tiêu xây dựng khoảng 20 trung tâm tương tự trong vòng hai đến ba năm tới.

Từ này đến năm 2025, hệ thống trung tâm thương mại Carmila (được tập đoàn Carrefour hỗ trợ) cũng hy vọng sẽ tạo ra 15% tổng thu nhập cho thuê sàn thương mại của mình nhờ các cơ sở khám chữa bệnh, nha khoa, nắn xương chỉnh hình và thú y. Phân khúc cho ngành dược dường như cũng đầy hứa hẹn với sự mở rộng diện tích giới thiệu các sản phẩm sức khỏe và làm đẹp, điều có thể thấy tại các trung tâm thương mại của JLL.

Thêm vào đó, các dịch vụ ăn uống và vui chơi giải trí "sẽ tiếp tục được mở rộng, vì những dịch vụ này góp phần tạo sự thân thiện và hòa đồng theo nghĩa rộng và trở thành khối dịch vụ chính của trung tâm thương mại.”

Với những trung tâm thương mại có điều kiện hơn thì việc đầu tư phát triển thành tổ hợp vui chơi giải trí sẽ là một trong những biện pháp được tính đến. Cap 3000 là một điển hình phát triển theo hướng này. Là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất của Pháp, Cap 3000, được khánh thành vào năm 1969 tại Alpes-Maritimes. Trong lần cải tạo thứ tư vừa qua, tòa nhà Altarea đã được mở ra Địa Trung Hải và được trang bị nhiều nhà hàng có thể ngắm cảnh.

"Bên cạnh màn hình khổng lồ chào đón du khách hoặc sự sang trọng của không gian Corso, nhiều dịch vụ sẽ sớm được bổ sung thêm như một khu lướt sóng nhân tạo, một sân chơi bowling và có lẽ là một thiết bị mô phỏng nhảy dù cũng như nhiều hoạt động văn hóa và thể thao trên bãi biển để làm nổi bật những tiện ích giải trí và mua sắm," Felipe Goncalves, Tổng giám đốc của Cap 3000, cho biết kế hoạch cụ thể của ông với tham vọng là dùng khái niệm này để xóa bỏ ranh giới giữa thương mại và giải trí.

Bên cạnh đó, các công ty bất động sản cũng sẽ không còn tham vọng đầu tư và các trung tâm thương mại chuyên biệt nữa mà sẽ quan tâm nhiều hơn đến xu hướng kinh doanh các dự án phức hợp, đa năng, kết hợp văn phòng, nhà ở, trung tâm thương mại, giải trí trong các không gian xanh mà họ gọi là những "nơi đáng sống."

Theo Hiệp hội các trung tâm thương mại Pháp, mặc dù hiện nay doanh thu tăng thêm nhờ cải tiến mô hình kinh doanh vẫn rất khiêm tốn, chưa thể bù đắp được những tổn thất do dịch bệnh gây ra cho các trung tâm thương mại, nhưng việc đẩy mạnh hướng phát triển đa phương tiện, đa giao tiếp và đa chức năng sẽ là một sự lựa chọn đúng hướng trong bối cảnh hiện nay và cả trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục