Các trường đại học Pháp muốn liên kết đào tạo với Việt Nam

Các trường đại học của Pháp đang tìm hiểu và từng bước tiến đến thiết lập các chương trình liên kết đào tạo với các đối tác Việt Nam.

Ngày 24/4, Tổ chức thúc đẩy giảng dạy đại học và đón nhận sinh viên quốc tế của Pháp (Campus France) đã tổ chức tại Paris "Ngày Việt Nam" nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về hệ thống các trường đại học của Việt Nam và nhu cầu đào tạo của sinh viên Việt Nam hiện nay, qua đó giúp các trường đại học của Pháp tìm hiểu và từng bước tiến đến thiết lập các chương trình liên kết đào tạo với các đối tác Việt Nam.

Theo Tổ chức Campus France, trong năm học 2012-2013, hơn 6.300 sinh viên Việt Nam đã ghi tên theo học tại các trường đại học của Pháp. Với số lượng này, sinh viên Việt Nam đứng trong tốp 10 quốc gia có số du học sinh đông nhất tại Pháp và đứng thứ hai trong các quốc gia châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Pháp cũng là quốc gia đứng thứ 3 được các sinh viên Việt Nam lựa chọn để du học sau Mỹ (14.603 sinh viên) và Australia (10.591).

Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Antoine Grassin, Tổng Giám đốc Tổ chức Campus France cho rằng giảng dạy đại học của Việt Nam đang đổi mới mạnh mẽ với các chương trình đào tạo ngày càng hướng ra bên ngoài nhằm bắt kịp trình độ các trường trong khu vực và quốc tế. Các chương trình hợp tác được triển khai ở hai cấp độ: các dự án trọng điểm giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước, trong đó bốn nước Đức, Pháp, Anh và Nhật Bản đã ký kết văn bản xây dựng dự án với Việt Nam; ngoài ra còn có rất nhiều các chương trình liên kết giữa các trường đại học Việt Nam và các nước.

Ông cũng điểm lại những dự án được đánh giá hiệu quả trong thời gian qua giữa hai nước Pháp và Việt Nam như Trung tâm Pháp-Việt đào tạo về quản lý (CFVG), Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV), và gần đây nhất là Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).

Ông cũng đánh giá cao quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong việc triển khai các dự án đào tạo đại học với Pháp thông qua việc tham gia đóng góp tài chính vào các dự án tại Việt Nam và cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam theo học các chương trình đại học hoặc tham gia các khóa thực tập tại Pháp.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết sự liên kết giữa các trường đại học hai nước Việt Nam và Pháp khá phong phú và đa dạng. Đây là một thuận lợi cho sinh viên Việt Nam trong việc lựa chọn lĩnh vực theo học.

Trong bảng thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với 72 chương trình, Pháp là nước dẫn đầu trong số các nước có chương trình liên kết với Việt Nam, tiếp theo là Mỹ (65 chương trình), Anh (45), Australia (39) và Trung Quốc (35).

Theo bà Nguyễn Thanh Huyền, sở dĩ Pháp là nước có chương trình liên kết nhiều nhất là do trong lĩnh vực giáo dục đại học, Pháp hỗ trợ Việt Nam rất sớm, bắt đầu từ các dự án cấp chính phủ, rồi đến cấp bộ và đến cấp trường.

Với việc có mặt tại Việt Nam trong một thời gian dài, các trường đại học của Pháp được các trường đại học Việt Nam biết đến từ lâu, chất lượng đào tạo của Pháp nhìn chung là tốt vì chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục của Pháp quản lý, bằng tốt nghiệp của Pháp là bằng cấp quốc gia và các nên mức độ tin cậy tương đối cao. Ngoài ra học phí theo học các chương trình này ở mức độ chấp nhận được, đây cũng là một yếu tố thu hút sinh viên.

Ông Jacques Frère, Tùy viên phụ trách hợp tác đại học và khoa học thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) được triển khai từ năm 2009 là một "dự án trọng điểm" về hợp tác đại học và nghiên cứu khoa học Pháp-Việt.

Trường được xây dựng theo "mô hình mới" trên cơ sở các thế mạnh của Pháp và nhu cầu đào tạo của Việt Nam, dự án tổng thể và các chương trình đào tạo đã được chính phủ hai nước phê duyệt. Trường có 6 chuyên ngành đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam trong tương lai như năng lượng tái tạo, không gian và ứng dụng, công nghệ sinh học, vật liệu và công nghệ nano, nước-môi trường-đại dương, khoa học và kỹ thuật thông tin và truyền thông.

Mục tiêu là nhằm xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế, đào tạo ra những sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, một lĩnh vực chưa thật phát triển ở Việt Nam, dựa trên việc gắn kết 3 quá trình : đào tạo-nghiên cứu-doanh nghiệp.

Theo ông, trường được một Liên minh gồm 42 trường đại học và trung tâm nghiên cứu Pháp hỗ trợ về mặt chuyên môn. Trên thực tế, trong 4 năm qua, phía Pháp đã cử hàng trăm giáo sư, các nhà nghiên cứu, giảng viên có trình độ cao tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của trường. Pháp cũng tài trợ rất nhiều các trang thiết bị phục vụ các hoạt động này. Hiện nay, sinh viên trường USTH theo học tại cả ba hệ đào tạo là cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ.

Ông Jacques Frère bày tỏ sự tin tưởng vào sự thành công của dự án USTH do chính phủ hai nước Pháp và Việt Nam đều thể hiện sự quan tâm và quyết tâm triển khai. Trong tương lai, trường sẽ được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Trong 4 năm qua, kể từ khi ra đời, trường đã có một số thành công bước đầu như các phòng thí nghiệm vận hành tốt, các công trình khoa học do nhà trường công bố ngày một nhiều, và số các trường đại học của Pháp tham gia làm đối tác với USTH không ngừng tăng lên, tạo ra sự phong phú và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Theo ông, đây thực sự là mô hình sáng tạo, tạo ra sự khác biệt và sức hấp dẫn của USTH so với các dự án giáo dục khác. /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục