Các ứng cử viên tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử

Tại nhiều địa phương trên cả nước như Bắc Ninh, Ninh Thuận, Tuyên Quang... các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND đã tiếp xúc cử tri.
Ngày 10/5, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp xúc cử tri tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Phát biểu trước cử tri, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tại Hà Tĩnh đang triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia như khu liên hợp gang thép, các nhà máy nhiệt điện, cảng biển Sơn Dương-Vũng Áng, Chính phủ và tỉnh sẽ có những giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp, tích cực để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đồng thời, ổn định cuộc sống của nhân dân tái định cư thuộc các dự án trên.

Từ ngày 8 đến 10/5 nhiều ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp của Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri thành phố Hà Tĩnh và các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Sơn, Vũ Quang.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình và một số ứng cử viên trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà.

Tại các buổi tiếp xúc các ứng cử viên cho biết sẽ góp sức xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội, quyết định phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, phát triển bền vững gắn với đảm bảo an sinh xã hội.

Các ứng cử viên là lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân tỉnh khẳng định sẽ cố gắng phát huy vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của mình để sớm đưa Hà Tĩnh thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Khu liên hợp gang thép và cảng biển Sơn Dương-Vũng Áng, công trình thủy lợi Ngàn Trươi-Cẩm Trang, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, trước hết hoàn thành qui hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới đối với 45 xã trong năm 2011.

Tại các buổi tiếp xúc, nhiều cử tri phát biểu mong muốn các ứng cử viên quan tâm đến những vấn đề bức xúc hiện nay như an sinh xã hội, cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch và xây dựng các công trình hạ tầng hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định đời sống nhân dân tại các khu tái định cư thuộc các dự án trọng điểm quốc gia...

Cùng ngày, tại xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII đã tiếp xúc cử tri trong tỉnh.

Từ ngày 4-10/5/2011 tại 10 điểm tiếp xúc ở các địa phương trong tỉnh, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã lần lượt báo cáo dự kiến chương trình hành động của mình với cử tri khi được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Các ứng cử viên đều khẳng định sẽ cố gắng, bằng nghị lực, trí tuệ và tâm huyết hoàn thành các nhiệm vụ trọng trách mà các cử tri giao phó, xứng đáng là người đại diện cho quyền lợi chính đáng của nhân dân, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, là chiếc cầu nối giữa nhân dân với Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng quê hương, đất nước phát triển.

Các ứng cử viên đã lắng nghe và ghi nhận những ý kiến, nguyện vọng của các cử tri. Cử tri kỳ vọng vào các ứng cử viên khi đắc cử sẽ mang hết trách nhiệm của mình thực hiện có hiệu quả chương trình hành động mà từng các ứng cử viên đã hứa trước nhân dân; các ứng cử viên khi đắc cử trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIII cần có tiếng nói thẳng thắn, mạnh mẽ để truyền tải những tâm tư nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội, từ đó đề ra những chính sách, quyết sách kịp thời, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh và thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Chiều cùng ngày, ông Tô Huy Rứa và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp tiếp xúc cử tri tại huyện Thuận Thành.

Ngày 9 và 10/5, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa VIII, đơn vị bầu cử số 1, tỉnh Đắk Lắk đã tiếp xúc cử tri tại phường Thống Nhất, Thành Nhất, Tân Hòa và xã Hòa Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột).

Tại hội nghị, cử tri đã được nghe giới thiệu tóm tắt tiểu sử, chương trình hành động của từng ứng cử viên.

Bà Tòng Thị Phóng cùng các ứng viên đều bày tỏ, trên cương vị công tác sẽ đem hết tài, tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần chăm lo tốt cho cuộc sống đồng bào các dân tộc, phát triển thành phố Buôn Mê Thuật thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của khu vực Tây Nguyên.

Trong niềm phấn khởi và tin tưởng, các cử tri thành phố Buôn Mê Thuột cho rằng các ứng cử viên đều đủ năng lực, phẩm chất để làm người đại biểu nhân dân. Cử tri cũng mong muốn khi trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa tới, các đại biểu sẽ là cầu nối để nhân dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng tới diễn đàn của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh; quan tâm giải quyết ngay những vấn đề nóng hiện nay trên địa bàn tỉnh: di dân ngoài quy hoạch, phá rừng, quy hoạch phát triển đô thị...; tập trung làm tốt công tác xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội bền vững nhằm góp phần đưa Đắk Lắk thành tỉnh phát triển.

Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 14/5, các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử cho 15 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII tại 3 đơn vị bầu cử và 129 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 tại 22 đơn vị bầu cử trên địa bàn.

Trong 5 ngày (từ 5 đến 10/5), các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII tại tỉnh Tuyên Quang gồm các Ủy viên Trung ương Đảng: Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Nguyễn Sáng Vang, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XVII đã tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.

Cử tri đã nghe giới thiệu tóm tắt tiểu sử và quá trình công tác của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóaXVII, nhiệm kỳ 2011-2016.

Các ứng cử viên đã trình bày chương trình hành động của mình để góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng Tuyên Quang giàu mạnh.

Cử tri bày tỏ niềm phấn khởi và tin tưởng rằng các ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XVII sẽ tích cực phối hợp với lãnh đạo địa phương, các bộ, ngành Trung ương, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống; triển khai nhiều đề án, chương trình kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

Tại các điểm tiếp xúc, cử tri phản ánh về các vấn đề về hỗ trợ bà con cây, con giống trong phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, hoàn thiện lưới điện đến những hộ chưa có điện, quan tâm đầu tư xây dựng, giám sát thi công đường giao thông nông thôn, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội…

Từ ngày 4/5 đến nay, 11 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII tại tỉnh Bình Thuận đã tiếp xúc cử tri thực hiện quyền vận động bầu cử của mình theo Luật định.

Tại các buổi tiếp xúc, sau khi nghe tóm tắt tiểu sử và dự kiến chương trình hành động của những người ứng cử, hầu hết cử tri đánh giá cao chương trình hành động, trình độ, năng lực của từng ứng cử viên; mong muốn ứng cử viên nếu trúng cử cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị, đóng góp hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Tại đơn vị bầu cử số 2, cử tri các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và thành phố Phan Thiết đề nghị công tác phòng chống tham nhũng, chống lãng phí, tiêu cực trong xã hội phải làm quyết liệt và hiệu quả hơn; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, các dự án "treo" gây khó khăn cho người dân; quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh thiếu niên, học sinh, có giải pháp tốt để hạn chế tình trạng bạo lực trong gia đình và ngoài xã hội…

Cử tri mong muốn có giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tai nạn giao thông; nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết việc làm chăm lo đời sống cho gia đình chính sách.

Thay mặt 5 ứng cử viên đơn vị bầu cử số 2, ông Huỳnh Văn Tí tiếp thu ý kiến của cử tri và khẳng định tất cả những người được cơ quan, đơn vị, cử tri nơi công tác, nơi cư trú tín nhiệm, giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cán bộ, ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ nhân dân…

Trong thời gian này, ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 cũng đã tiếp xúc, gặp gỡ cử tri để thực hiện quyền vận động bầu cử của mình tại 17 đơn vị bầu cử trên địa bàn tỉnh.

Từ nay cho đến hết ngày 18/5, 11 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đơn vị Bình Thuận sẽ lần lượt tiếp xúc, gặp gỡ cử tri để thực hiện công tác vận động bầu cử tại các điểm liên xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố và 87 ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 tiếp tục tiếp xúc, gặp gỡ cử tri tại 120 điểm theo đúng thời gian định, bảo đảm dân chủ, bình đẳng và đúng pháp luật.

Trong khi đó, sau 6 ngày làm việc (từ ngày 5-10/5), các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành chương trình tiếp xúc cử tri trên địa bàn.

Ông Trần Phù Tiêu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ khẳng định tại các cuộc tiếp xúc, cử tri đến dự đầy đủ, thể hiện trách nhiệm của mình đối với công tác bầu cử. Không khí các cuộc tiếp xúc thực sự dân chủ, thẳng thắn, đúng luật.

Các cử tri đều thể hiện mong muốn, Quốc hội khóa XIII là nơi hội tụ những người đủ đức, đủ tài ở khắp mọi miền đất nước, tiếp tục xây dựng những quy định pháp luật, những chính sách cụ thể giúp cho sự phát triển toàn diện, bền vững kinh tế-xã hội của đất nước và địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đưa ra những quyết sách để Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế...

Các cử tri đều thể hiện quyết tâm bầu đủ số lượng, đảm bảo chất lượng các đại biểu tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước và coi ngày bầu cử 22/5 là ngày hội của toàn dân.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở 3 đơn vị bầu cử, 11 ứng cử viên đại biểu Quốc hội đã gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu là đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Các ứng cử viên khẳng định sẽ lắng nghe, tập hợp những ý kiến của cử tri để chuyển tải đến Đảng, Quốc hội; tham gia đóng góp có chất lượng vào các hoạt động của Quốc hội, sát với thực tế cơ sở; xây dựng chương trình, tổ chức các hoạt động giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là các lĩnh vực được nhiều người quan tâm như phòng chống tham nhũng, lãng phí; cải cách thủ tục hành chính; bảo vệ môi trường; phòng chống tệ nạn xã hội; giải quyết việc làm.

Chiều 10/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Thuận giới thiệu tóm tắt tiểu sử của 10 ứng cử viên với cử tri, từng ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình nếu được trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Trong chương trình hành động của mình, các ứng cử viên đều khẳng định sẽ nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân, trên cơ ở đó đề đạt ý kiến xây dựng các chính sách, pháp luật hợp lòng dân, đóng góp xứng đáng vào tiến trình đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đồng thời tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trên cương vị công tác đang đảm nhiệm, góp phần xây dựng tỉnh Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hầu hết các ý kiến cử tri đồng tình với chương trình hành động của các ứng cử viên; gửi gắm tâm tư, kỳ vọng đối với các ứng cử viên xoay quanh các vấn đề về thực hiện tốt vai trò giám sát trong các lĩnh vực như đầu tư phát triển; giải quyết việc làm, phòng chống tham nhũng; chăm lo cho sự nghiệp y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên môi trường.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục