Các ứng viên tổng thống ở Iran tranh luận về kinh tế

Trong cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình ngày 31/5, các ứng viên tranh cử tổng thống Iran tập trung vào các vấn đề kinh tế.
Truyền thông Iran ngày 1/6 đưa tin, trong cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình, các ứng viên tranh cử tổng thống ở nước này đều tập trung vào các vấn đề kinh tế, trong đó nhấn mạnh tình trạng lạm phát và thất nghiệp.

Tất cả các ứng cử viên đều nhất trí cho rằng việc kiềm chế lạm phát đang ngày càng gia tăng là thách thức lớn nhất đối với nhiệm kỳ tổng thống sắp tới. Bên cạnh đó, giải quyết nạn thất nghiệp và đồng nội tệ mất giá cũng là những vấn đề cấp thiết.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, tại cuộc tranh luận đầu tiên này, các ứng cử viên không đưa ra được giải pháp cụ thể nào cho những vấn đề đặt ra.

Trong khi đó, các ứng cử viên than phiền rằng phương thức tranh luận kéo dài 4 giờ trên truyền hình không cho họ nhiều cơ hội đưa ra các chính sách thực chất hơn.

Theo số liệu chính thức của Iran, tỷ lệ lạm phát ở nước này trong tháng đầu tiên của năm hiện tại tính theo lịch Iran (từ 21/3-20/4) lên tới 29,8%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp là 14%.

Trong tổng số 686 người đăng ký tranh cử Tổng thống Iran nhiệm kỳ tới, chỉ có 8 ứng cử viên được chấp thuận tham gia cuộc đua.

Trong số những trường hợp bị Hội đồng Giám hộ, cơ quan giám sát bầu cử tối cao tại Iran, bác đơn có cựu Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani, được xem là một nhân vật ôn hòa và thân phương Tây, cùng ông Efandiar Rahim Mashaie - trợ lý thân cận của Tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad.

Hội đồng trên cũng không chấp thuận đơn ứng cử của các ứng cử viên nữ.

Hiến pháp Iran quy định tổng thống có nhiệm kỳ 4 năm, phải là người theo đạo Hồi và không được tại vị quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Do đó, Tổng thống đương nhiệm Ahmadinejad không được tranh cử lần này vì đã cầm quyền 8 năm.

Cũng theo quy định của hội đồng trên, tất cả những cuộc tập hợp ủng hộ ứng viên tranh cử bị cấm, tuy nhiên họ được quyền treo biểu ngữ vận động tranh cử cũng như quảng cáo, xuất hiện trên báo chí, truyền hình và truyền thanh.

Trước đó, Đại Giáo chủ Ali Khamenei đã kêu gọi các ứng viên tránh gây căng thẳng bất lợi cho quốc gia, đồng thời nhấn mạnh cuộc bầu cử phải minh bạch.

Theo kế hoạch, các ứng cử viên sẽ tham gia hai cuộc tranh luận trên truyền hình nữa, trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 14/6 tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục