Các yếu tố chính định hình môi trường kinh tế-địa chính trị năm 2021

Ngay khi nhậm chức, ông Joe Biden được cho là sẽ đảo ngược chính sách đối ngoại được gọi là “Nước Mỹ trước tiên” của người tiền nhiệm Donald Trump.
Các yếu tố chính định hình môi trường kinh tế-địa chính trị năm 2021 ảnh 1Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phát biểu tại Wilmington, Delaware, ngày 8/1/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Môi trường địa chính trị năm 2021 sẽ được định hình bởi hai vấn đề mang tính chất toàn cầu, đó là diễn biến của đại dịch COVID-19 và nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc khôi phục lại mối quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới, nhất là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đây là dự báo thường niên của Stratfor, trang mạng chuyên phân tích thông tin tình báo, địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ.

Hiện nhiều loại vắcxin phòng COVID-19 đã được tung ra thị trường hoặc sắp được phê chuẩn để đưa vào sử dụng rộng rãi.

Các đợt tiêm chủng vắcxin chủ yếu bắt đầu ở các nước phương Tây trong quý đầu tiên năm 2021, nhưng chắc chắn phải hết năm nay mới cơ bản có thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng.

Việc triển khai tiêm chủng ở các nước thuộc thị trường mới nổi và các nước đang phát triển sẽ phải chờ tới năm 2022, cho nên hy vọng nền kinh tế toàn cầu có thể phục hồi vào năm 2021 là điều không tưởng, nếu không muốn nói là những vấn đề như nợ nần, bất bình đẳng kinh tế và đói nghèo thậm chí sẽ diễn biến trầm trọng hơn.

Ngay khi nhậm chức, ông Biden được cho là sẽ đảo ngược chính sách đối ngoại được gọi là “Nước Mỹ trước tiên” của người tiền nhiệm Donald Trump và có thể sẽ đàm phán lại vấn đề hạt nhân với Iran cũng như sẽ tham gia trở lại vào các cơ chế như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015 và nhiều khả năng Mỹ sẽ lựa chọn cách tiếp cận đa phương để đối đầu với Trung Quốc.

Sự hồi phục không đồng đều sau đại dịch

Cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế thế giới sẽ còn rất nặng nề trong năm 2021. Những hệ lụy về kinh tế mà thế giới hứng chịu trong năm 2020 có thể chưa nhiều như hồi thời kỳ Đại Suy thoái nhưng sẽ kéo dài, kể cả khi thế giới đã có vắcxin.

Chính vì vậy, nhiệm vụ chính của các nhà hoạch định chính sách trong năm 2021 sẽ là phải đảm bảo hoạt động kinh tế bền vững cho đến khi đại dịch kết thúc và sau đó đưa nền kinh tế trở lại lộ trình tăng trưởng một cách khả thi và bền vững.

[Yếu tố nào thúc đẩy Nhật, Mỹ và châu Âu xích lại gần nhau?]

Điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sản xuất, phân phối hiệu quả các loại vắcxin phòng COVID-19, phát triển các phương pháp điều trị tốt hơn để giảm bớt tác hại của virus đối với sức khỏe con người.

Điều này cũng phụ thuộc cả việc người dân có tự nguyện tiêm chủng hay không và khả năng chịu đựng các biện pháp hạn chế hoạt động trong cuộc sống hàng ngày sẽ như thế nào.

Nhìn chung, mức độ có thể trở lại cuộc sống bình thường ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực sẽ khác nhau.

Tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2021 được dự báo ở mức 4-5%, trong đó Trung Quốc đã đóng góp tới 1/3 còn phần lớn các khu vực khác trên thế giới chỉ có thể quay trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch vào năm 2022, kể cả Mỹ và châu Âu.

Tác động của tình trạng mất việc làm và phá sản sẽ khiến chi phí tăng cao trong thời gian dài và chi tiêu tài chính cũng tăng mạnh, nhưng lạm phát sẽ ở mức thấp vì nhu cầu phục hồi chậm và cả hai thị trường vốn và thị trường lao động đều ảm đạm.

Với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, đại dịch đã khiến các khu vực này càng dễ bị tổn thương. Thành quả kinh tế mới đạt được của nhiều nước nghèo nhất trên thế giới đã bị phá hủy hoàn toàn và sẽ rất khó để các nước này có thể phục hồi trở lại.

Nước Mỹ quay lại với chủ nghĩa đa phương nhưng ở mức hạn chế

Chính quyền của ông Biden sẽ tập trung vào tái thiết mối quan hệ của nước Mỹ với các đồng minh ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương bởi đây là một phần trong chính sách đối ngoại tổng thể quay lại với cơ chế đa phương của Mỹ.

Để có thể củng cố trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ, do phương Tây dẫn dắt, Nhà Trắng mới sẽ kết nối với các nước đồng minh có cùng chung chí hướng đối mặt với những thử thách như sự nổi lên của Trung Quốc, tình trạng biến đổi khí hậu, và sự kiểm soát ngày càng lớn của các công ty công nghệ.

Để mở đường cho mối quan hệ đồng minh hợp tác như vậy, Mỹ chắc chắn sẽ nỗ lực gạt bỏ những bất đồng với Liên minh châu Âu về những vấn đề như thương mại và chi tiêu quốc phòng cũng như cố gắng xoa dịu tình hình căng thẳng mới đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chính quyền của ông Biden sẽ tham gia trở lại nhiều cơ chế mà người tiền nhiệm Donald Trump đã rời bỏ, nhất là những hiệp định liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu và nhân quyền.

Nhưng cho dù quan hệ của Mỹ với các nước phương Tây khác sẽ cải thiện trong năm 2021, thì những bất đồng lớn giữa các nước này có thể sẽ hạn chế sự hợp tác của họ trong việc đối đầu với Trung Quốc.

Các chính sách công nghệ khác biệt của Mỹ và châu Âu có thể làm tê liệt khả năng phương Tây có thể đối đầu với ngành công nghệ của Trung Quốc nếu Mỹ và châu Âu không thống nhất và hợp tác về những vấn đề như đánh thuế các công ty công nghệ hay đặt ra tiêu chuẩn cho ngành công nghệ một cách nhất quán trên toàn cầu.

Quan điểm của Mỹ với Trung Quốc

Mặt khác, Chính quyền của ông Biden được cho là vẫn giữ quan điểm đối đầu với Trung Quốc và nỗ lực xây dựng một lực lượng đồng minh quốc tế đối phó với Bắc Kinh.

Nhưng bởi Mỹ đang có nhiều bất đồng với các đồng minh truyền thống, nên Chính quyền của ông Biden sẽ khó đạt được kết quả như kỳ vọng.

Điều này sẽ buộc Mỹ vẫn phải dựa vào những biện pháp đơn phương để đối phó với Trung Quốc, và thỉnh thoảng lại gây ra những bất hòa với các đồng minh do nhiều khi lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị lại xung đột với nhau.

Chính sách của Mỹ đối với ngành công nghệ của Trung Quốc sẽ thay đổi không đáng kể dưới thời ông Biden.

Hiện tại các công ty công nghệ toàn cầu đã bắt đầu di chuyển dần các chuỗi cung ứng của họ do những chính sách kiểm soát xuất khẩu cũng như những chính sách khác của Mỹ đang áp dụng nhằm hạn chế các công ty Trung Quốc như Huawei.

Các yếu tố chính định hình môi trường kinh tế-địa chính trị năm 2021 ảnh 2(Nguồn: indianexpress.com)

So với ông Trump, ông Biden có thể sẽ đưa ra các giải pháp đối phó tổng thể ngành công nghệ của Trung Quốc chứ không xử lý từng công ty Trung Quốc cụ thể để tạo một môi trường kinh doanh dựa trên luật lệ.

Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không chỉ giới hạn ở công nghệ trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn hay viễn thông 5G mà sẽ còn tiến tới cả công nghệ điện toán đám mây, các dịch vụ kỹ thuật số và công nghệ tài chính nữa.

Về phần mình, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường trả đũa bằng việc đưa ra các hạn chế tương tự với các công ty công nghệ của Mỹ và các nước phương Tây khác, đồng thời cản trở nỗ lực của Mỹ muốn thành lập một liên minh quốc tế.

Về phía Chính quyền của ông Biden, mặc dù muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nhưng cũng khó có thể gỡ bỏ được những hàng rào thuế quan mà người tiền nhiệm Donald Trump đã áp lên Trung Quốc.

Muốn giảm thuế cho Trung Quốc, Mỹ sẽ vẫn yêu cầu Trung Quốc phải cải tổ cấu trúc một cách triệt để; đây là điều Trung Quốc đã bác bỏ trong nhiều cuộc đàm phán với Chính quyền của Tổng thống Trump.

Muốn có một thỏa thuận thương mại thì Trung Quốc vẫn phải mua số lượng hàng hóa của Mỹ ít nhất tương đương với lượng hàng mà Bắc Kinh đã cam kết mua theo Thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã ký với Chính quyền Tổng thống Trump trong năm 2019.

Thêm vào đó, ông Biden cũng chịu sức ép phải trừng phạt Trung Quốc vì đã không tuân thủ cam kết giai đoạn một bởi lượng hàng mà Trung Quốc nhập của Mỹ đến nay vẫn ít hơn nhiều so với mức đã cam kết.

Mỹ-Trung có thể đạt được một thỏa thuận thương mại hẹp trong năm 2021, nhưng một thỏa thuận lớn cho phép dỡ bỏ hầu hết các loại thuế mới đánh vào Trung Quốc là điều sẽ khó có thể xảy ra.

Mặc dù những động thái gây áp lực bất ngờ với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực như cách chính quyền Tổng thống Trump đã làm có thể giảm bớt, nhưng Chính quyền mới của Tổng thống Biden sẽ vẫn tiếp tục gây sức ép với Bắc Kinh.

Về phía Trung Quốc, nước này sẽ đối phó một cách có chọn lọc với từng hành động của Mỹ, chẳng hạn như sẽ dùng áp lực ngoại giao, sức ép về nhân quyền hay thuế quan, nhưng họ sẽ thận trọng trong vấn đề kiểm soát xuất khẩu.

Làm được như vậy sẽ khiến Mỹ bớt đối đầu trực diện với Trung Quốc và giảm bớt phần nào căng thẳng đang gia tăng.

Nhưng việc Washington chuyển sang các mục tiêu chiến lược dài hạn khi đối phó với Trung Quốc và hướng tới cách tiếp cận mang tính chất đa phương cũng sẽ dần dần khiến những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung ngày càng leo thang về lâu về dài.

Mỹ sẽ thay đổi chính sách trong đàm phán với Iran

Ông Biden sẽ thay đổi chiến lược Trung Đông thông qua việc trở lại đàm phán với Iran. Nhiều rào cản sẽ không cho phép Mỹ gia nhập trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015 (JCPOA).

Nhưng một thỏa thuận gỡ bỏ các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ đối với ngành sản xuất dầu lửa của Iran để đổi lấy việc Iran giảm các hoạt động hạt nhân là hoàn toàn có thể xảy ra.

Việc Iran tiến hành các hoạt động của họ ở khu vực Trung Đông như tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào lãnh thổ Saudi Arabia chắc chắn sẽ buộc Washington phải mở rộng nội dung đàm phán chứ không chỉ có nội dung chương trình hạt nhân và như vậy rất có thể sẽ lại xuất hiện một thỏa thuận khác thay thế thỏa thuận JCPOA và việc đàm phán sẽ còn kéo dài chứ không thể kết thúc trong năm 2021.

Khả năng Mỹ mở ra các cuộc đàm phán như vậy với Iran sẽ khiến Israel, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia cảm thấy bất an nhưng đương nhiên cũng không vì thế mà gây ra những xáo trộn trong quan hệ của Mỹ với ba nước kể trên, mà sẽ khiến các nước này nỗ lực hơn để bình thường hóa quan hệ với nhau bởi họ muốn xây dựng nền tảng hợp tác để có thể độc lập, không phụ thuộc Mỹ, trong những vấn đề mà họ chia sẻ mối quan tâm chung.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đối mặt với rào cản từ trong nước

Dưới thời Chính quyền Tổng thống Biden, Mỹ có thể sẽ gia nhập trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng bởi đảng Dân chủ không chiếm được đa số tại Thượng viện cho nên ông Biden sẽ khó có được sự ủng hộ để đưa ra những thay đổi lớn trong chính sách môi trường.

Nếu các thượng nghị sỹ Dân chủ ôn hòa cũng không ủng hộ thì những dự luật liên quan tới môi trường, khí hậu do các thượng nghị sĩ Dân chủ cấp tiến đưa ra cũng sớm bị dẹp hoặc chỉ có thể thực hiện thông qua sắc lệnh hành pháp.

Tuy nhiên, những thay đổi về chính sách và luật lệ liên quan tới những tiêu chuẩn về khí thải ở Mỹ cũng như liên quan tới ngành dầu khí của nước này chắc chắn sẽ xảy ra.

Với sự hậu thuẫn của những bang lớn ủng hộ Dân chủ như New York hay California, chính quyền liên bang mới sẽ điều phối và thực hiện được những chính sách liên quan tới môi trường và biến đổi khí hậu ở các cấp độ khác nhau.

Trên bình diện toàn cầu, các sáng kiến liên quan đến biến đổi khí hậu của chính phủ và doanh nghiệp sẽ có động lực để hiện thực hóa vào năm 2021 bởi người dân ngày càng hiểu và lo ngại về tình trạng này hơn.

Chính phủ các nước, các công ty năng lượng và các công ty tiêu thụ năng lượng lớn sẽ điều chỉnh chiến lược phát triển của họ theo những cách cụ thể hơn để đạt được các mục tiêu giảm khí thải bền vững trong thời gian trung hạn.

Nhiều chính phủ cũng sẽ coi các dự án xanh là trụ cột trong các chương trình thúc đẩy kinh tế sau đại dịch và các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tập trung giảm khí thải nhà kinh bởi biết rằng các ngành công nghiệp xả khí thải nhiều sẽ bị giám sát ngày càng chặt chẽ trong tương lai.

Các xu hướng chính tại châu Á-Thái Bình Dương

Do Chính quyền của ông Biden sẽ chuyển hướng và tìm kiếm các đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương và giảm bớt sức ép thương mại lên các nước châu Á khác (trừ Trung Quốc), các nước tầm trung ở khu vực này sẽ được trao cho cơ hội.

Nhật Bản sẽ tiếp tục là trọng tâm chính trong chiến lược cân bằng quyền lực của Mỹ với Trung Quốc nên Washington sẽ tiếp tục gia tăng mối quan hệ với Tokyo theo hướng phù hợp với các ưu tiên của Mỹ.

Hàn Quốc cũng sẽ thấy Mỹ đỡ gây sức ép với họ trong vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng. Còn căng thẳng giữa đồng minh của Mỹ là Australia với Trung Quốc thì khó có thể giảm bớt, nhưng Nhà Trắng mới có thể để tự Canberra cân đối tình hình thay vì thúc ép để Australia phải gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Việc kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 sớm đã giúp Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu các nước tăng trưởng trở lại vào năm 2020 và cả năm 2021, mặc dù có vấp phải khó khăn vì mất đi các thị trường ngoài nước do đại dịch cộng với sự phục hồi trong nước không đồng đều và vẫn phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch lại.

Sắp tới Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung vào chính sách tự lực tự cường trong nước và kết nối các tỉnh ven biển phát triển hơn với những khu vực kém phát triển hơn trong nước để giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu và tận dụng nguồn tài nguyên trong nước.

Đại dịch buộc Trung Quốc phải tự lực, đồng thời áp lực từ nước Mỹ đối với ngành công nghệ của Trung Quốc càng thúc đẩy nỗ lực của Bắc Kinh phải phát triển công nghiệp trong nước theo sáng kiến có tên là "Made in China 2025" (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025).

Bắc Kinh cũng sẽ cần kiềm chế những công ty công nghệ lớn như Alibaba và Tencent để giảm bớt sự độc lập kinh tế mà những tập đoàn này đã có được qua nhiều năm nhờ được hưởng hệ thống tiêu chuẩn khá dễ dãi, thông thoáng của Trung Quốc, và đảm bảo rằng mô hình kinh doanh của những công ty khổng lồ này cũng phải phù hợp với những chính sách của Bắc Kinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục