Cách Ấn Độ dần trở thành cường quốc hàng đầu về tàu sân bay

Với một tàu sân bay lớn đang hoạt động và một chiếc khác đang được đóng, Ấn Độ đã trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về hàng không hải quân.
Cách Ấn Độ dần trở thành cường quốc hàng đầu về tàu sân bay ảnh 1Tàu INS Vikramaditya. (Nguồn: manoramaonline.com)

Bất chấp những thách thức lớn về kinh tế, Ấn Độ hết sức coi trọng lực lượng hàng không hải quân trong những năm sau khi giành độc lập.

Không giống Trung Quốc hay Liên Xô, Ấn Độ tập trung vào các tàu sân bay thay vì tàu ngầm.

Hiện nay, với một tàu sân bay lớn đang hoạt động và một chiếc khác đang được đóng, Ấn Độ đã trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về hàng không hải quân.

Theo bài viết mới đây trên mạng National Interest, INS Vikrant, một tàu sân bay hạng nhẹ lớp Majestic, phục vụ từ năm 1961-1997, đã chiến đấu hiệu quả trong cuộc chiến năm 1971.

[Ấn Độ dự kiến trang bị mới hàng loạt tàu ngầm cho hải quân]

INS Viraat, trước đây là tàu sân bay HMS Hermes lớp Centaur, gia nhập Hải quân Ấn Độ năm 1987 và phục vụ đến năm 2016.

Các tàu sân bay này đã mang lại cho Hải quân Ấn Độ kinh nghiệm lâu dài trong các chiến dịch có sử dụng tàu sân bay, cũng như logic tổ chức để duy trì khả năng của hàng không mẫu hạm.

Tình hình hiện nay

Đến đầu những năm 2000, INS Viraat bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của "tuổi tác."

Nguồn cung ứng cho các tàu sân bay cũ đã bị thu hẹp đáng kể. Thay vì tự đóng một con tàu mới, Ấn Độ quyết tâm mua một tàu sân bay cũ của Liên Xô, Đô đốc Gorshkov lớp Kiev, đã ngừng hoạt động từ những năm 1990.

Ấn Độ đã chi hơn 2 tỷ USD cho một công trình tái thiết khổng lồ khiến người ta gần như không thể nhận ra con tàu này nữa. Tàu có một sàn cất cánh và hệ thống vũ khí được chuyển đổi.

Khi được chấp thuận đưa vào sử dụng năm 2014, tàu INS Vikramaditya mới trọng tải 45.000 tấn có thể vận hành khoảng 20 máy bay chiến đấu MiG-29K, cùng với các máy bay trực thăng đa dụng.

Mặc dù gặp nhiều vấn đề về chi phí và khả năng phục vụ, con tàu đã mang đến cho Hải quân Ấn Độ cơ hội tái phát triển sức mạnh hàng không của mình sau nhiều năm chỉ vận hành các máy bay VSTOL (cất cánh và hạ cánh ngắn/thẳng đứng) từ tàu INS Viraat.

Vikramaditya chỉ là bước đầu tiên hướng tới việc tái cấu trúc lực lượng hàng không của Hải quân Ấn Độ. Bước thứ hai là INS Vikrant mới.

Đây là tàu sân bay có sàn cất cánh, trọng tải 40.000 tấn được đóng tại Nhà máy đóng tàu Cochin của Ấn Độ.

Tàu bắt đầu được đóng năm 2009 và dự kiến sẽ đi vào phục vụ khoảng năm 2020, với một phi đội máy bay tương tự như của Vikramaditya.

Hiện tại, Ấn Độ đã quyết định sử dụng MiG-29K là chiến đấu cơ chủ lực của hải quân, thay vì Su-33, F/A-18 hay Rafale của Dassault.

Mặc dù vậy, cả Boeing và Dassault vẫn hy vọng sẽ xuất khẩu được một số máy bay chiến đấu sử dụng trên tàu sân bay cho Ấn Độ.

Ngay cả Saab cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc chuyển đổi chiến đấu cơ Gripen để phục vụ mục đích sử dụng của hải quân.

Hải quân Ấn Độ cũng dự tính phát triển một phiên bản hải quân của máy bay chiến đấu HAL Tejas, nhưng (hiện tại) đã từ bỏ một cách khôn ngoan những nỗ lực phức tạp để chuyển đổi loại chiến đấu cơ gặp nhiều vấn đề này.

Những toan tính chiến lược

Ấn Độ phát triển lực lượng tàu sân bay vì 3 lý do. Thứ nhất là hỗ trợ một cuộc chiến thông thường với Pakistan, trong đó sẽ liên quan đến việc tấn công các tài sản hải quân và căn cứ trên đất liền của nước láng giềng phía Tây.

Thật không may, cả Vikrant và Vikramaditya đều gặp khó khăn trong các hoạt động tấn công vì những hạn chế về trọng lượng máy bay, mặc dù chúng chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của Pakistan.

Thứ hai, các tàu sân bay đưa Hải quân Ấn Độ trở thành lực lượng vượt trội ở Ấn Độ Dương, có khả năng chỉ huy khu vực tốt hơn so với bất kỳ đối thủ nước ngoài nào.

Các tàu sân bay Ấn Độ sẽ luôn có khả năng tiếp cận tốt hơn các căn cứ và cơ sở hỗ trợ ở Ấn Độ Dương so với Trung Quốc, Anh hay thậm chí là Mỹ, và sự hiện diện của các tàu sân bay giúp Ấn Độ thúc đẩy việc thực thi sức mạnh và quản lý bảo vệ thương mại.

Lý do thứ ba liên quan đến cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc. Với việc chuẩn bị đưa vào hoạt động tàu sân bay lớn thứ hai, Trung Quốc đã có thể vượt qua Ấn Độ về phát triển lực lượng hàng không hải quân trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.

Mặc dù ít kinh nghiệm hơn so với Ấn Độ về vận hành tàu sân bay, Trung Quốc lại sở hữu ngành đóng tàu rất hiệu quả và lực lượng hàng không ngày càng hiện đại, khiến Bắc Kinh ít bị phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài.

Tuy nhiên, mặc dù Ấn Độ có thể phải chật vật để bắt kịp tiến độ đóng tàu của Trung Quốc, New Delhi có thể tận dụng vị trí địa lý (gần các căn cứ) để tạo lợi thế cho mình trong các khu vực có nguy cơ xung đột cao nhất.

Những kỳ vọng

Bước tiếp theo trong dự án hàng không hải quân của Ấn Độ sẽ là INS Vishaal, tàu sân bay 65.000 tấn được đóng trong nước, trang bị hệ thống hỗ trợ cất và hạ cánh CATOBAR (khi cất cánh, máy bay được hỗ trợ bởi máy phóng; khi hạ cánh, máy bay được giảm tốc bằng thiết bị bắt và hãm).

Với kinh nghiệm từ Vikrant, việc thiết kế và đóng tàu sân bay mới được kỳ vọng sẽ suôn sẻ hơn.

Dường như Ấn Độ sẽ có quyền tiếp cận chưa từng có tiền lệ với công nghệ của Mỹ để đóng Vishaal, bao gồm cả hệ thống máy phóng điện từ EMALS được sử dụng trên tàu sân bay lớp Gerald R. Ford.

Không giống như Vikrant hay Vikramaditya, Vishaal sẽ có thể phóng và thu hồi máy bay tấn công hạng nặng cũng như các máy bay cảnh báo sớm như E-2 Hawkeye. Vishaal được cho là sẽ đi vào phục vụ năm 2030. Tuy nhiên, thời gian như vậy được cho là có phần lạc quan.

Gần đây, xuất hiện một loạt tin đồn rằng Ấn Độ có thể tìm cách mua một trong những biến thể của chiến đấu cơ đa năng F-35.

Tuy nhiên, quyết định mua F-35 (và các quá trình tiếp sau đó) sẽ gây nhiều tốn kém cho bộ máy mua sắm quân sự của Ấn Độ.

Mặc dù vậy, F-35C là loại máy bay chiến đấu tàu sân bay hiện đại nhất thế giới và INS Vishaal chắc chắn có thể vận hành máy bay này.

Các bước tiếp theo

Đến đầu những năm 2030, Ấn Độ có kế hoạch sở hữu 3 tàu sân bay hoạt động.

Tại thời điểm đó, bước tiếp theo được cho là sẽ thay thế Vikramaditya.

Mặc dù chỉ được sử dụng nhẹ nhàng, thân tàu này đã 30 năm tuổi và Vikramaditya sẽ có năng lực kém hơn 2 tàu kia.

Nếu rốt cuộc Vishaal được chấp thuận, kịch bản tốt nhất của Ấn Độ là đóng thêm tàu theo thiết kế đó, vừa tận dụng được kinh nghiệm vừa đưa ra những cải tiến dần dần.

Mặc dù Hải quân Ấn Độ đã đưa ra ý tưởng về động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, song họ thực sự không cần một tàu sân bay hạt nhân, bởi các nhiệm vụ chiến lược của hải quân Ấn Độ sẽ khiến Vishaal hoạt động tương đối gần nhà, trong khi chế tạo động cơ hạt nhân phù hợp với thiết kế này sẽ dẫn đến 3 tàu sân bay khác nhau với 3 thiết kế khác nhau, làm hạn chế tính hiệu quả và khả năng hợp tác.

Ấn Độ chuyên tâm phát triển lực lượng hàng không hải quân và có các nguồn lực cũng như kinh nghiệm để phát triển một lực lượng thành công.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn phải đối mặt với một số quyết định lớn, bao gồm cả việc lựa chọn máy bay chiến đấu mới trên tàu sân bay.

Phần lớn sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công của việc giải quyết các khó khăn trong đóng tàu quy mô lớn và mức độ hiệu quả của việc tích hợp các công nghệ mới vào quá trình thiết kế và đóng tàu./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục