Cách mạng công nghiệp 4.0: Xóa tư duy lối mòn để không ở lại phía sau

Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ tinh thần của Nghị quyết 52 NQ/TW phải 'quyết tâm' đổi mới, xóa bỏ cách tư duy quản lý kinh tế theo lối mòn để tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0.
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0, ngày 3/10/2019. (Ảnh: BKT/Vietnam+)
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0, ngày 3/10/2019. (Ảnh: BKT/Vietnam+)

Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết 52 NQ/TW ban hành ngày 27/9/2019 về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" lại đề cập trọng tâm tới việc phải nêu cao tinh thần đổi mới, kiên quyết xóa bỏ cách thức quản lý kinh tế theo lối mòn.

Bởi, theo ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đây là điều kiện tiên quyết để có thể đưa đất nước tham gia mạnh mẽ vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, xây dựng một nền kinh tế số. Nếu không, cơ hội sẽ vụt qua và Việt Nam sẽ lại bị bỏ rơi ở phía sau.

[Tận dụng cách mạng 4.0 để đưa Việt Nam thành nước phát triển]

Cuộc cách mạng về thể chế

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 ngày 3/10, ông Nguyễn Văn Bình cho biết việc phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong những năm gần đã tạo ra lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và thậm chí bùng nổ.

Do vậy mà khuôn khổ thể chế bấy lâu nay mang tính truyền thống không còn phù hợp, và thậm chí nếu tiếp tục duy trì khuôn khổ này sẽ kìm hãm sự phát triển. Điều này đòi hỏi cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế, và đấy chính là bản chất của cuộc cách mạng lần này.

Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng cần phải có cách tiếp cận mở, sáng tạo và mạnh dạn cho làm thí điểm.

"Từ trước đến nay chúng ta vẫn có cái tư duy quản lý theo lối mòn là cái gì chúng ta chưa quản lý được hoặc không quản lý được thì chúng ta cấm. Như vậy làm gì còn đổi mới sáng tạo và nói đến cùng thì không thể có cách mạng công nghiệp 4.0 nếu chúng ta vẫn tiếp tục với cách tư duy như thế để quản lý kinh tế và quản lý xã hội. Điều đó khiến chúng ta đứng lại trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tràn qua và chúng ta sẽ lại là người bị bỏ rơi ở phía sau," ông Bình nhấn mạnh.

Vì vậy, ông Bình cho rằng quan điểm này có ý nghĩa hết sức to lớn, đòi hỏi các cấp hoạch định chính sách phải có những thay đổi hết sức mạnh mẽ cũng như có đầy đủ kiến thức có thể nhận biết, nhận dạng quá trình phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thích ứng đồng thời lường đón được các tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này. 

Với Việt Nam, để có thể bắt kịp, đi cùng và dành vị trí ở một số các khâu có lợi thế, ông Bình chia sẻ, “Đảng xác định cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đảng cũng yêu cầu là cần phải có cách tiếp cận mở sáng tạo, mạnh dạn cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.”

Cách mạng công nghiệp 4.0: Xóa tư duy lối mòn để không ở lại phía sau ảnh 1Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019. (Ảnh: BKT/Vietnam+)

Huy động tối đa các nguồn lực

Tại Nghị quyết 52, Đảng cũng khẳng định là phải huy động tối đa các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, cả trong nước lẫn ngoài nước.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, cách mạng công nghiệp lần thứ tư khi nói đến nguồn lực thì chủ yếu là các nguồn lực do cơ chế chính sách mang lại. "Nếu chúng ta có cơ chế chính sách tốt, chúng ta sẽ có đổi mới sáng tạo hiệu quả. Khi có đổi mới sáng tạo hiệu quả thì có những sản phẩm tốt, có những sản phẩm tốt sẽ kêu gọi được các nguồn lực đầu tư không những trong nước mà của toàn thế giới," ông Bình chia sẻ.

Về vấn đề vốn, ông Bình dẫn chứng: Nhiều nước phát triển đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây và đã phải đầu tư một nguồn vốn rất lớn. Bên cạnh việc tạo ra nền tảng hết sức quan trọng, thì đây cũng là trở ngại cho chính các quốc gia này trong việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vì họ không dễ gì bỏ đi những gì mà mình đã có trước đây.

Trong khi đó, đối với Việt Nam thì mặc dù điểm yếu là chưa có được một điểm xuất phát tốt, nhưng chính vì vậy mà nếu tập trung nguồn lực thì có thể bỏ qua các đầu tư cho phát triển trước để có thể tiếp cận ngay với cuộc cách mạng công nghiệp này, góp phần làm giảm thiểu nguồn lực mà chúng ta phải bỏ ra.

Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định cơ hội là như nhau cho các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển. Và với một nước đang phát triển như Việt Nam thì có thể nói đây là một cơ hội to lớn mà nhiều chuyên gia đã nhận định rằng đây là "cơ hội vàng," thậm chí có nhiều diễn giả quốc tế cho rằng đây là "chìa khóa vạn năng" đối với các nước đang phát triển.

"Và đặc biệt đối với đất nước chúng ta, đây là một cơ hội rất to lớn để chúng ta hiện thực hóa chủ trương của Đảng, phương châm phát triển của Đảng đi tắt, đón đầu để tạo sự bứt phá vươn lên," ông Bình nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục