Cách Mỹ và Philippines có thể nâng cấp liên minh

Chuyên gia Cronin và Heydarian nhận định, đã đến lúc Mỹ cần tìm một hướng đi đúng đắn và nâng cấp mối liên minh với Philippines cho phù hợp trước các thách thức đặc biệt của thế kỷ 21.
Cách Mỹ và Philippines có thể nâng cấp liên minh ảnh 1(Nguồn: Almanar)

Theo trang mạng eurasiareview.com, chuyến công du Philippines hồi tháng 11 vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã diễn ra tốt đẹp. Trước và sau chuyến đi này, nhiều nhà phân tích tại Washington đã gay gắt chỉ trích chính sách và cách ứng xử của Chính quyền Rodrigo Duterte trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Những chỉ trích này phản ánh lo ngại của Chính phủ Mỹ rằng dưới thời Duterte, Washington đang để mất Philippines. Tuy nhiên, chính Mỹ, chứ không phải ai khác, mới là bên cần thay đổi chính sách và cách tiếp cận quốc gia Đông Nam Á này.

Một trong những chuyên gia Mỹ chỉ trích Chính quyền Duterte gay gắt nhất là Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một viện nghiên cứu chính sách hàng đầu ở Washington.

Thực tế các quan điểm của Poling và AMTI ở một chừng mực nào đó bị ảnh hưởng bởi môi trường chính trị mà họ làm việc. Sự nhất quán trong quan điểm ủng hộ Mỹ, phản đối Trung Quốc và Philippines càng củng cố nhận định này.

Sau chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Tập Cận Bình, Poling đã chỉ trích phát biểu mà người phát ngôn cho Tổng thống Duterte đưa ra rằng “không có bất kỳ thế lực nào trên Trái Đất” có thể ép (Manila) thực thi chiến thắng pháp lý mà họ có được trước Trung Quốc vào năm 2016.

Ông Poling viết trên Twitter rằng “mọi quốc gia đều đã sẵn sàng gây áp lực buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết.” Vào thời điểm phán quyết được Tòa Trọng tài ở La Haye đưa ra, Philippines có thể đã có được sự ủng hộ mạnh mẽ về mặt “đạo đức” để thực thi chiến thắng của mình.

Tuy nhiên, Poling quên mất một điều rằng Chính quyền Duterte đã đúng khi cho rằng không có bất kỳ quốc gia nào, kể cả đồng minh hiệp ước là Mỹ, sẽ hỗ trợ Manila về mặt quân sự nếu họ muốn thực hiện phán quyết với các hành động thực tế và cụ thể. Nếu Philippines cương quyết lựa chọn hướng đi này, họ buộc phải hành động một mình và sẽ trở thành mục tiêu trả đũa của Trung Quốc.

Trong suốt thời gian ông Tập Cận Bình có mặt tại Philippines, không có bất cứ nghị sỹ nào, kể cả những người thẳng thắn và thường lớn tiếng nói về vấn đề Biển Đông nhạy cảm, đề cập tới phán quyết của Tòa Trọng tài. Điều khiến Poling và những nhà phân tích cùng chung quan điểm bất bình hơn cả có lẽ là tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước với nội dung khẳng định rằng các tranh cãi nên được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình giữa các bên tuyên bố chủ quyền - một tuyên bố tiêu cực đối với nỗ lực can thiệp vào tiến trình này của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Poling và các nhà phân tích này cần “gạt” những suy nghĩ ấy sang một bên và chấp nhận thực tế. Duterte đã làm được điều đó.

Tại sao những nhà phân tích vốn được cho là khách quan lại đưa ra các chỉ trích thiên kiến đối với chính sách Trung Quốc của Duterte? Câu trả lời có thể được tìm thấy qua bài viết gần đây của hai tác giả Patrick Cronin và Richard Javad Heydarian trên tạp chí The National Interest với tiêu đề “This Is How America and the Philippines Can Upgrade Their Alliance” (tạm dịch: “Cách Mỹ và Philippines có thể nâng cấp liên minh”).

['Trung Quốc cần theo đuổi con đường ôn hòa trong tranh chấp Biển Đông']

Bài viết này một mặt nhìn nhận mối quan hệ Mỹ-Philippines theo kiểu thực dân mới, và mặt khác lại phớt lờ thực tế những gì đang diễn ra.

Cách duy nhất để tái thiết sự gắn kết và gần gũi trong liên minh Mỹ-Philippines là chính Mỹ phải từ bỏ cách tiếp cận kiểu thực dân mới này của mình - từ bỏ việc dùng áp lực về kinh tế, chính trị, văn hóa và trong nhiều lĩnh vực khác để gây ảnh hưởng tới các nước từng phụ thuộc như Philippines. Thay vào đó, Mỹ nên tập trung vào việc tôn trọng và hỗ trợ các lợi ích ngang bằng của Philippines.

Giờ đã là thế kỷ 21 và Chính quyền Duterte đang tìm cách phá bỏ những ràng buộc về tư tưởng và chính trị của chủ nghĩa thực dân kiểu mới mà Mỹ áp đặt bằng cách thể hiện sự độc lập trong chính trị, xã hội và văn hóa. Mỹ nên chấp nhận, thay vì phản đối hay kiềm chế ý định này.

Cronin và Heydarian cũng đã nhận thức được điều này trong bình luận cho rằng để cải thiện quan hệ song phương, người ta cần “vượt qua những đau thương và bất bình về giai đoạn đầu những năm thực dân Mỹ chiếm đóng Philippines. Tuy nhiên, thiếu sót của họ là không đề cập tới giai đoạn lãnh đạo độc tài của Ferdinand Marcos. Mỹ từng ủng hộ và “mắt nhắm mắt mở” trước sự lộng hành của nhà lãnh đạo này để phục vụ chiến lược của mình là ngăn chủ nghĩa cộng sản mở rộng tại châu Á.

Theo Cronin và Heydarian, sự sụp đổ của Liên bang Xôviết đã “dẫn đến việc Mỹ rút căn cứ khỏi Philippines,” hành động làm xói mòn các nỗ lực của Mỹ trong việc duy trì ảnh hưởng quân sự tại quốc gia này. Song họ lại quên mất thực tế là chính các phong trào chính trị tại Philippines đã tạo sức ép đòi hỏi chính quyền phải yêu cầu Mỹ ra đi.

Cronin và Heydarian thừa nhận: “Philippines luôn chứng minh rằng họ có giá trị chiến lược trong nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm xây dựng trật tự tự do tại châu Á. Và giờ Mỹ cần Philippines để triển khai các căn cứ hoặc ‘cứ điểm’ quân sự và cần sự hậu thuẫn (của Manila) trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia đang thách thức vị thế của Mỹ trong khu vực.”

Hai tác giả này cho rằng Philippines sẽ giúp Mỹ tiếp cận những căn cứ chiến lược gần với Biển Đông. Rõ ràng không chỉ tạo ra những phức tạp về mặt xã hội cho các khu vực lân cận như những gì diễn ra tại Căn cứ Không quân Clark và Căn cứ Hải quân Vịnh Subic, sự hiện diện của quân đội Mỹ còn đẩy các khu vực dân sự xung quanh đó đứng trước nguy cơ bị Trung Quốc tấn công. Câu hỏi mà người ta đặt ra là ai là người được lợi từ những căn cứ này hơn? Mỹ hay Philippines?

Cronin và Heydarian khẳng định “mối quan hệ lịch sử giữa giới lãnh đạo quốc phòng Philippines và Lầu Năm Góc không bị ảnh hưởng tiêu cực." Thực tế giới tướng lĩnh Philippines phần lớn phản đối các chính sách đối với Mỹ và Trung Quốc của Tổng thống Duterte. Đó không phải là điều ngẫu nhiên mà là thực tế phản ánh quan điểm thiên Mỹ hơn của giới tướng lĩnh do quá trình tiếp xúc của họ với quân đội Mỹ thời hậu thực dân.

Và cũng không phải vô tình mà Philippines là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ các sáng kiến phục vụ lợi ích của Mỹ như An ninh Hàng hải Biển Đông và Tài chính Quân sự nước ngoài tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đúng là như Cronin và Heydarian nhận định, những diễn biến này cho đến này không thể “duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia." Rõ ràng đã đến lúc Mỹ cần tìm một hướng đi đúng đắn và nâng cấp mối liên minh này cho phù hợp trước các thách thức đặc biệt của thế kỷ 21./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục