Cách Nhật Bản thích ứng với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Các doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ đang rà soát lại toàn bộ chuỗi cung ứng của mình, trong đó có các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại đang không ngừng leo thang.
Cách Nhật Bản thích ứng với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Tờ Nikkei Asia Review ngày 20/5 đã đăng tải bài phân tích của tác giả Taisei Hoyama về các nỗ lực điều chỉnh chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ nhằm thích ứng với cuộc chiến thương mại đang diễn ra quyết liệt và khó dự báo giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo tác giả, các doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ đang rà soát lại toàn bộ chuỗi cung ứng của mình, trong đó có các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại đang không ngừng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh khi cả hai bên đều thông báo tăng thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu từ nước còn lại. 

Đợt tăng thuế sắp tới của Mỹ sẽ bao gồm một loạt sản phẩm, từ điện thoại thông minh cho đến đồng hồ đeo tay và quần áo. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang sản xuất đồng hồ và máy ảnh ở Trung Quốc để xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã buộc phải đánh giá lại hệ thống các nhà cung cấp của mình.

Chẳng hạn, Citizen Watch - hãng chế tạo đồng hồ của Nhật Bản có các dây chuyền sản xuất đồng hồ giá rẻ xuất khẩu sang Mỹ ở Trung Quốc - đang cân nhắc giữa Thái Lan và Trung Quốc.

Trong khi đó, Sony - hãng điện tử đang xuất khẩu một số mẫu máy ảnh từ cơ sở sản xuất ở Trung Quốc sang thị trường Mỹ - cho biết họ cũng đang theo dõi tình hình và sẽ tìm các biện pháp ứng phó cần thiết. 

Cách Nhật Bản thích ứng với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Sony đang xuất khẩu một số mẫu máy ảnh từ cơ sở sản xuất ở Trung Quốc sang thị trường Mỹ. (Ảnh minh họa: Digital Trends)

Hiện tại, nhiều người lo ngại các sản phẩm tiêu dùng như quần áo cũng sẽ phải chịu mức thuế 25%. Vì vậy, Fast Retailing - công ty đang quản lý chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo và đang xuất khẩu một số sản phẩm từ các nhà máy ở Trung Quốc sang thị trường Mỹ - có thể sẽ phải di chuyển một số cơ sở sản xuất phục vụ cho thị trường Bắc Mỹ, vốn đang chiếm 5% doanh số bán hàng, từ Trung Quốc sang Việt Nam và Bangladesh. 

Hãng chế tạo ôtô Kasai Kogyo đang xuất khẩu các khuôn đúc chế tạo tại Trung Quốc sang Mỹ. Thuế suất tăng cao đã "thổi bay" 500 triệu yên (4,57 triệu USD) của hãng này kể từ tháng 7/2018. Thiệt hại có thể sẽ tiếp tục tăng sau khi thuế nhập khẩu vào Mỹ tăng lên 25%.

Không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp ở phía bên kia Thái Bình Dương cũng lo lắng về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đang rà soát lại toàn bộ chuỗi cung ứng của mình.

Trong thư điện tử gửi tới các hội viên hôm 10/5, người đứng đầu một hiệp hội doanh nghiệp ở Mỹ nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang bước vào giai đoạn nguy hiểm sau khi Mỹ tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ mức 10% lên 25%, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên chuẩn bị cho viễn cảnh cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này, trong đó có thể bao gồm cả hải quan và sự trì hoãn cấp giấy phép.

Bên cạnh đó, Washington sẽ đánh thuế bổ sung đối với gần 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mà trước đó, nước này đã loại ra khỏi danh sách tăng thuế.

Khoảng 40% trong số các mặt hàng phải chịu mức thuế suất mới này là các sản phẩm tiêu dùng, bao gồm đồ chơi và điện thoại thông minh, tăng khoảng 24% so với lần tăng thuế trước.

Kết quả là GoPro - nhà sản xuất camera có trụ sở ở California - đang phải chuyển cơ sở sản xuất sản phẩm xuất khẩu cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Mexico.

Tổng Giám đốc GoPro Nick Woodman nói: “Việc sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ ở Mexico sẽ giúp chúng tôi tránh được các mối đe dọa về thuế quan.”

Cách Nhật Bản thích ứng với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh 2Tổng Giám đốc GoPro Nick Woodman. (Nguồn: The Daily Beast)

Không chỉ có GoPro, hãng sản xuất giày Sketchers USA có kế hoạch tăng sản lượng ở Ấn Độ và Việt Nam, trong khi công ty sản xuất đồ chơi Hasbro sẽ giảm mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc từ mức gần 70% hiện nay xuống 60% vào cuối năm 2020.

Kết quả khảo sát mới nhất của công ty tư vấn Bain & Co. cho thấy khoảng 60% trong tổng số khoảng 200 doanh nghiệp Mỹ sẽ rà soát lại chuỗi cung ứng của mình trong vòng 12 tháng tới.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác. Các doanh nghiệp có hệ thống sản xuất lớn ở Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc di chuyển.

Chẳng hạn năm ngoái, tập đoàn công nghệ Apple có khoảng 380 trong tổng số 800 cơ sở sản xuất đối tác là ở Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc di chuyển cơ sở sản xuất các sản phẩm như điện thoại iPhone sang các nước khác trở thành một vấn đề nan giải./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục