Cách phát hiện và chống cúm A/H1N1 hiệu quả

Các chuyên gia Bộ Y tế giới thiệu một số cách để người dân chủ động phòng, chống và phát hiện cúm A(H1N1) một cách hiệu quả.
Cúm A (H1N1) đã lây lan ra ngoài cộng đồng, nhất là trong các công sở, trường học, khu nhà cao tầng như: Tòa nhà Viettel (Hà Nội), Trường Nguyễn Khuyến, Ngô Thời Nhiệm (Thành phố Hồ Chí Minh)... đã khiến người dân hết sức hoang mang.

Với sự trợ giúp của các chuyên gia Bộ Y tế, dưới đây là một số cách chủ động phòng, chống và phát hiện cúm A(H1N1) một cách hiệu quả.

Cách để phòng ngừa cúm A(H1N1)

Thực hiện nghiêm ngặt quy tắc vệ sinh đường hô hấp khi ho, hắt hơi, quy tắc này bao gồm: Dùng khăn giấy để che miệng và mũi lại khi ho hoặc hắt hơi, hoặc ho và hắt hơi vào phía trên tay áo vào vùng khuỷu, không ho hoặc hắt hơi vào bàn tay. Sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy và đi rửa tay hoặc sát trùng tay với dung dịch có chứa cồn ngay lập tức.

Trong trường hợp không có khăn giấy, có thể dùng khăn vải, nhưng chỉ cho riêng mình và phải giặt sạch phơi nắng hàng ngày và thay thường xuyên.

Tăng cường rửa tay hoặc sát trùng tay với dung dịch có chứa cồn (khi không có sẵn nước và xà phòng rửa tay), mọi lúc, mọi nơi khi có tiếp xúc với bề mặt nguy cơ và khi chăm sóc người bệnh tại gia đình, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, chùi mũi.

Rất nhiều quốc gia trên thế giới sau khi phát động chiến dịch tăng cường rửa tay ngoài cộng đồng, trường học, đã làm giảm trên 40% tần suất bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp (bao gồm cả Cúm mùa), bị viêm phổi ở cộng đồng và trẻ dưới 5 tuổi, học sinh trường học.

Nên để nhà cửa thông thoáng, mở rộng cửa sổ, cửa ra vào, hạn chế dùng máy lạnh, hạn chế tập trung ở những khu vực có thông khí không tốt.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc mở cửa sổ và cửa chính để thông khí tự nhiên thôi và có thể bổ sung thêm một số quạt thổi thích hợp trong môi trường thì cũng sẽ đạt được 12 luồng không khí đổi mới được trao đổi mỗi giờ.

Như vậy nếu lượng virus phát tán trong không khí từ người bệnh vào môi trường sau 30 phút chỉ còn lại là 0,3% và sau 1 giờ còn lại 0%. Hiện nay, phương pháp này được coi là hữu hiệu để làm pha loãng và giảm nồng độ virus trong không khí và môi trường hữu hiệu nhất, ít tốn kém và dễ thực hiện mọi lúc, mọi nơi.

Bên cạnh đó, cần giữ cho gia đình có một cuộc sống lành mạnh, một tinh thần sảng khoái, không quá lo lắng về bệnh Cúm A(H1N1). Hãy ăn đủ và cân đối các loại thực phẩm, hãy ngủ sớm, tập thể dục đều đặn, hạn chế đến nơi đông người nếu không cần thiết, chú ý vệ sinh răng miệng, súc miệng vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Cách sử dụng khẩu trang hợp lý

Khi có biểu hiện sốt và ho, bạn hãy đeo khẩu trang (Loại khẩu trang y tế có 3 lớp và bán thấm) để ngăn chặn sự phát tán nguồn bệnh tới người khác.

Trong trường hợp khi bạn phải đi vào vùng có nguy cơ lây nhiễm cúm hoặc tiếp xúc với người đang nghi ngờ hoặc đã xác định nhiễm cúm A(H1N1), bạn mới cần đeo khẩu trang y tế như trên để phòng ngừa lây lan cho mình. Không cần thiết lúc nào cũng phải mang khẩu trang mọi lúc, mọi nơi.

Loại khẩu trang đặc biệt có độ lọc cao (N95, N97, N100) chỉ dùng cho đối tượng nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc người bệnh có nguy cơ hít phải các hạt khí dung có chứa virus.

Khi không có khẩu trang bên mình, bạn hãy đứng cách xa người bệnh trên 1m và nên tập thói quen súc miệng với dung dịch sát khuẩn mỗi buổi sáng, tối ở nhà mình.

Khi bạn đã đeo khẩu trang rồi, không bao giờ được sờ vào mặt trước của khẩu trang, nhất là sau đó không rửa tay thì nguy cơ lây nhiễm cho chính bạn là rất cao.

Có cần dự trữ thuốc?

Theo các chuyên gia y tế: Không phải tất cả mọi người bị cúm đều phải dùng thuốc. Trong trường hợp bạn khỏe mạnh, dù có tiếp xúc với nguồn bệnh và người đang nghi ngờ nhiễm hoặc nhiễm cúm A(H1N1), bạn cũng chỉ cần theo dõi sức khỏe của mình trong vòng 7 ngày sau khi tiếp xúc.

Nếu có ho và sốt, bạn hãy đến cơ sở y tế để khám và được tư vấn, không tự ý mua thuốc điều trị, vì nguy cơ kháng thuốc cho bạn và cộng đồng là rất cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục