Cách phòng ngừa bệnh say nắng trong những ngày nóng đỉnh điểm

Trong những ngày nắng nóng, các bác sỹ cũng khuyến cáo bệnh say nắng là bệnh nghiêm trọng nhất. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ.
Cách phòng ngừa bệnh say nắng trong những ngày nóng đỉnh điểm ảnh 1Nhiệt độ đo được ngoài đường tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở Bắc Bộ trong những ngày tới, với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Theo các chuyên gia y tế, các bệnh truyền nhiễm cấp tính như viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, sốt do virus, đau mắt đỏ, tiêu chảy, thủy đậu…, bên cạnh đó là các bệnh như say nắng, có xu hướng đe dọa sức khỏe người dân trong mùa Hè.

Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng nhanh

Thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng gia tăng, nhiệt độ tại nhiều địa phương trong những ngày qua đã lên tới hơn 36-37 độ C. Đặc biệt là Hà Nội đang ở mức rất cao, có nơi lên đến trên 40 độ C, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.

[Nhiều bệnh nhân được quỹ bảo hiểm y tế chi trả hàng tỷ đồng]

Cùng với nền nhiệt độ cao, trẻ em, người già dễ mắc nhiều bệnh, do sự thay đổi thời tiết gây ra nếu không biết cách phòng ngừa.

Trong 2 tuần vừa qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận số trẻ nhập viện do mắc tay chân miệng đang tăng lên nhanh chóng. Điều đáng lo ngại là nhiều ca mắc trong năm nay ghi nhận biến chứng viêm não.

Chỉ riêng tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 70 ca mắc tay chân miệng trong 2 tuần qua. Nhiều trẻ nhập viện đã trong tình trạng hôn mê, liệt dây thần kinh nhưng không nổi ban điển hình nên cha mẹ khó nhận biết được trẻ bị mắc tay chân miệng.

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 350 ca trẻ mắc tay chân miệng cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó giáo sư Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, số ca mắc bệnh tay chân miệng năm nay cao hơn hẳn và có các biến chứng nặng như viêm dây thần kinh, viêm não. Vì vậy các cha mẹ cần hết sức lưu ý cho trẻ đi ra ngoài trong thời điểm này vì bệnh dễ lây lan thành dịch...

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Virus tay chân miệng lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch và lây lan qua đường tiêu hóa.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ, khi trẻ có các biểu hiện nổi ban điển hình hoặc sốt cao, kém ăn thì cần đưa đến các cơ sở y tế, cách ly trẻ tại nhà.

Phòng chống say nắng

Bác sỹ Trần Thu Thủy - Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, ở lâu dưới ánh nắng gay gắt, không uống đủ nước và mặc quần áo không thích hợp có thể khiến trẻ mắc các bệnh do nắng nóng.

Trong những ngày nắng nóng, để có thể hoạt động bình thường, cơ thể phải liên tục duy trì nhiệt độ ở mức 37 độ C, thân nhiệt chịu sự kiểm soát chặt chẽ của tuyến dưới đồi nằm ở não. Phần lớn nhiệt dư thừa được thải qua da. Điều này sẽ diễn ra một cách dễ dàng nếu không khí xung quanh mát và khô. 

Trường hợp ngược lại, nếu không khí nóng và ẩm, nếu trẻ ở trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời thì việc thải nhiệt sẽ gặp nhiều khó khăn. Mồ hôi không thể bốc hơi nhanh, cơ thể không giải phóng đủ nhiệt, thân nhiệt vì thế sẽ tăng lên nhanh chóng. Thân nhiệt quá cao có thể gây tổn thương cho não và các cơ quan quan trọng khác.

Cách phòng ngừa bệnh say nắng trong những ngày nóng đỉnh điểm ảnh 2Trong những ngày nắng nóng, các bác sỹ cũng khuyến cáo bệnh say nắng là bệnh nghiêm trọng nhất. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong những ngày nắng nóng, các bác sỹ cũng khuyến cáo bệnh say nắng là bệnh nghiêm trọng nhất. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ: thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồi hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát.

Thân nhiệt người say nắng có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút. Theo các bác sỹ, say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.

Các dấu hiệu cảnh báo của bệnh say nắng như: Thân nhiệt lên cao (trên 39,5 độ C); Da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi); Mạch nhanh, mạnh; Đau đầu nhức nhối, chóng mặt, buồn nôn, mê sảng, mất ý thức.

Say nắng là tình trạng cấp cứu, có thể dẫn tới tử vong. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu nêu trên, người nhà cần nhờ người gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của trẻ hay chuyển trẻ tới khu vực râm mát.

Các bậc phụ huynh cần nhanh chóng hạ thân nhiệt của trẻ bằng bất cứ biện pháp nào, chẳng hạn như dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người.

Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc trẻ trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh. Theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho trẻ cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C.

Cách phòng ngừa bệnh say nắng trong những ngày nóng đỉnh điểm ảnh 3Cùng với nền nhiệt độ cao, ai cũng dễ mắc nhiều bệnh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng

Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi…

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp như: Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

Những ngày nắng nóng, người dân cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

Khi nằm phòng điều hòa, người dân không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục