Cách thức "chiến tranh" mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump

Sau gần hai thập kỷ chỉ triển khai hành động quân sự vào mục đích chiến lược ở Trung Đông, chính quyền Trump đã chuyển sang cách thức đấu tranh mới là dùng sức mạnh kinh tế để trừng phạt đối thủ.
Cách thức "chiến tranh" mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Getty Images)

Theo Mạng tin nypost.com, sau gần hai thập kỷ triển khai hành động quân sự hoàn toàn vào mục đích chiến lược ở Trung Đông, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chuyển sang cách thức đấu tranh mới và thông minh hơn: Sử dụng sức mạnh của nền kinh tế Mỹ hồi sinh trong hình thái thuế quan, các lệnh trừng phạt và thỏa thuận thương mại.

Bắt đầu từ lệnh cấm vận dầu mỏ những năm 1970, các địch thủ nước ngoài thường xuyên sử dụng chiến tranh kinh tế để đối phó với Mỹ. Lạm phát không thể kiểm soát trong nhiều năm dưới thời các Tổng thống Nixon, Ford và Carter đã trở nên trầm trọng hơn do giá dầu mỏ tăng cao, khiến nền kinh tế Mỹ điêu đứng. Tuy nhiên, thay tấn công lại các quốc gia Vùng Vịnh vốn nhanh chóng trở nên thịnh vượng trên lưng người tiêu dùng Mỹ, các đời Tổng thống Mỹ từ Reagan đã gần như không có động thái gì ngoài việc "ve vãn" họ.

Các thành phố mới giàu có mọc lên ở Vùng Vịnh và Trung Quốc, trong khi khu vực chế tạo và việc làm của người Mỹ bị chuyển ra nước ngoài. Vào tháng 3/2002, sau sự phá sản lan rộng của công ty thép, chính quyền George W. Bush đã áp thuế đối với mặt hàng thép nhập khẩu vào Mỹ nhưng đến cuối năm đó cũng đã phải dỡ bỏ sau khi châu Âu đe dọa sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn nhằm vào Mỹ.

[Mega Story] Căng thẳng Mỹ-Trung: Vòng đấu chưa có điểm dừng

Chính quyền Tổng thống Obama sau đó cũng đã nỗ lực áp mức thuế 35% đối với mặt hàng lốp của Trung Quốc trong giai đoạn 2009-2012 và điều này đã giúp "cứu" được 1.200 việc làm và đồng thời dẫn đến sản lượng mặt hàng này tăng mạnh. Tuy nhiên, các nhà kinh tế than phiền rằng điều đó đã làm tăng giá tiêu dùng và về lâu dài dẫn đến mất việc làm trong khu vực bán lẻ.

Tổng thống Donald Trump đang lựa chọn gây chiến thông qua các biện pháp kinh tế với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, Đại giáo chủ Ali Khamenei của Iran và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ. Với việc hầu hết các báo cáo việc làm đều ủng hộ, ông Trump khoe tạo được 400.000 việc làm mới trong khu vực chế tạo kể từ khi nhậm chức, vì thế, Tổng thống Mỹ quyết định rằng lợi ích lớn hơn rủi ro. Thuế quan đã trở thành một phần không thể thiếu trong chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ dưới thời các chính quyền Washington, Lincoln và Teddy Roosevelt. Trong Thông điệp liên bang năm 1902, Teddy Roosevelt đã viết rằng "Thuế quan mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất".

Chính sách thuế quan, tài chính và tiền tệ ngày nay cũng có thể được sử dụng trong lĩnh vực ngoại giao, với việc kinh tế Mỹ đang tăng trưởng trở lại, chính quyền Donald Trump cuối cùng cũng sử dụng đến "ngón đòn" thuế quan, lệnh trừng phạt như một sự thay thế cho hành động ngoại giao hoặc thậm chí cả quân sự.

Tại Iran, đồng Rial đã mất 40% giá trị sau khi ông Trump quyết định hủy Thỏa thuận hạt nhân Iran của chính quyền Obama. Theo đó, Mỹ đã cản trở Iran trong các giao dịch tài chính sử dụng đồng USD và vàng đồng thời tác động ảnh hưởng mạnh đến ngành hàng không và máy móc của nước này. Cho đến tháng 11 tới, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng cường các lệnh trừng phạt trong các lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng. Kết quả là rất đông giới trẻ Iran đã tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn có thể dẫn đến lật đổ chế độ cầm quyền và những động thái của chính quyền Trump có thể góp sức một phần.

Tại Trung Quốc, vốn được coi là một thách thức địa chính trị chủ chốt của Mỹ, cách tiếp cận của Trump chú trọng hơn vào vào chính sách "cây gậy và củ cà rốt", khi áp thuế và đe dọa một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn, khiến ban lãnh đạo Trung Quốc thực sự lo ngại và bắt đầu nghĩ rằng ông Trump đủ điên khùng để làm điều đó.

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm 9% giá trị so với đồng USD kể từ tháng 4 vừa qua và thị trường chứng khoán của nước này cũng trở nên ảm đạm hơn. Sau các cuộc đàm phán đầy ngờ vực, viễn cảnh về một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ dường như không phải là điều mà ban lãnh đạo Trung Quốc mong muốn trong lúc này. Tuy nhiên, cả vấn đề tăng trưởng và tiêu dùng đã giảm và người dân Trung Quốc dường như đã bắt đầu công khai chỉ trích ông Tập Cận Bình.

Trong khi đó, ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà nhà lãnh đạo Recep Erdogan đang nỗ lực khôi phục thời kỳ hoàng kim đã mất của Đế chế Ottoman, đồng nội tệ Lira của nước này đã mất 45% giá trị trong năm nay. Đây là hậu quả trực tiếp từ chính sách áp đặt thuế quan của Mỹ cũng như các lệnh trừng phạt nhằm vào chế độ cầm quyền hiện nay ở nước này với lý do Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson với tội danh "gián điệp." Đáp lại, chính quyền Erdogan đã tuyên bố thực hiện chiến dịch tẩy chay hàng điện tử của Mỹ.

Nếu nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào suy thoái, những kỳ vọng của ông Erdogan đưa nước này trở thành nhà nước hồi giáo thống lĩnh khu vực sẽ đổ bể. Tương tự, kế hoạch thành lập lực lượng của những người Shi'ite của Iran để đối phó với Israel và Mỹ thông qua lực lượng Hezbollah cũng bị tiêu tan nếu các giáo sỹ Hồi giáo sụp đổ.

Trong khi đó, Trung Quốc đang cần sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu để có thể chơi ván bài kép: vừa đối phó với Mỹ vừa hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông trong khi không hoàn toàn cắt đứt mối quan hệ với đối tác thương mại chủ chốt của mình. Một khi tin chắc rằng Mỹ sẽ không khởi động một cuộc chiến thương mại, Trung Quốc giờ đây hiểu rằng những chỉ trích liên tục của Trump về việc Trung Quốc thao túng tiền tệ và các thông lệ thương mại không công bằng đều là nghiêm túc và giờ đây ngoài lời nói, ông Trump đang phần nào phô trương sức mạnh kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục