Cách thức để Triều Tiên trở thành “cường quốc kinh tế” khu vực

Đến năm 2050, một bán đảo Triều Tiên gắn kết về mặt kinh tế ở mức độ lớn hơn có thể có quy mô kinh tế tăng lên mức 6.400 tỷ USD so với con số 4.000 tỷ USD hiện nay.
Cách thức để Triều Tiên trở thành “cường quốc kinh tế” khu vực ảnh 1Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm Khu liên hiệp vật liệu xây dựng Chollima ở Bình Nhưỡng. (Nguồn: Reuters)

SCMP.com đưa tin, liệu bán đảo Triều Tiên có thể trở thành tâm chấn tiếp theo của sự thay đổi trên thế giới hay không?

Triều Tiên ngày nay chỉ có GDP ước tính khoảng 28 tỷ USD, tương tự quy mô kinh tế của Cameroon. Nhưng đến năm 2050, một bán đảo Triều Tiên gắn kết về mặt kinh tế ở mức độ lớn hơn có thể có quy mô kinh tế tăng lên mức 6.400 tỷ USD so với con số 4.000 tỷ USD hiện nay.

Trong đó, Triều Tiên chiếm khoảng 1.600 tỷ USD. Điều đó sẽ khiến bán đảo Triều Tiên, nếu tính là một nền kinh tế đơn lẻ, gần sánh vai với quy mô nền kinh tế của Nhật Bản, Đức và Anh, dù vẫn kém xa Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.

Để đạt được mức tăng trưởng kinh tế như vậy, có rất nhiều câu hỏi lớn về vấn đề an ninh và chính trị cần được giải đáp và mọi việc sẽ phải được triển khai đúng hướng.

Đến năm 2050, bán đảo Triều Tiên sẽ cần trải qua quá trình đô thị hóa ở mức tăng 10 điểm phần trăm và chứng kiến quy mô đầu tư cho nghiên cứu và phát triển chiếm tới mức 6% GDP.

Những kết quả này sẽ cần được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 5%, được duy trì trong hơn 30 năm. Điều này có gây ám ảnh không? Chắc chắn. Điều này có phải là bất khả thi không?

Các nước khác như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Ethiopia và Uganda đã duy trì được tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 6-10% trong vòng 30 năm qua.

[Chính quyền Triều Tiên tuyên bố xây dựng nền kinh tế hùng mạnh]

Việc đạt được những mục tiêu trên cũng cần một tầm nhìn táo bạo, vượt xa những gì mà nhiều người coi là con đường đúng đắn cho Triều Tiên: Đó là chỉ cần khai thác tốt hơn nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào chưa được khai thác của nước này và đi theo mô hình công nghiệp hóa cổ điển - đi từ ngành công nghiệp nhẹ tập trung nhiều nhân công giá rẻ đến ngành công nghiệp nặng và hiện đại mà Hàn Quốc đã triển khai từ đầu những năm 60 đến giữa những năm 90 của thế kỷ XX.

Thay vào đó, Triều Tiên cần có cách tiếp cận theo hướng phát triển “từ tương lai nhìn lại,” tức cần đề ra tầm nhìn cho tương lai rồi nhìn từ viễn cảnh tương lai đó để triển khai các kế hoạch phát triển.

Theo đó, Bình Nhưỡng cần đẩy mạnh những lợi thế về công nghệ số để hỗ trợ tốt hơn nguồn nhân lực tài năng trẻ và tận dụng sự gần gũi về mặt địa lý với các công ty tiên tiến nhất thế giới đặt tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Việc giúp Triều Tiên thực hiện những thay đổi sâu rộng sẽ có tác dụng ngược trở lại khi hỗ trợ Hàn Quốc, vốn đang rơi vào tăng trưởng trì trệ từ năm 2012, bằng chính quy mô tăng trưởng và sản lượng của Bình Nhưỡng.

Cụ thể, việc tái định hình một cách phù hợp về tương lai của bán đảo Triều Tiên đòi hỏi nước này cần thực hiện các cơ chế thị trường, còn chỉ đơn thuần đổ tiền vào thị trường lại không giúp ích gì.

Ngoài ra, có 4 động lực chính: thứ nhất, chú trọng việc nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực ở mức ngang bằng hoặc nhiều hơn việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng kết nối số và kết nối cơ sở hạ tầng nhằm giúp nước này vượt qua những hạn chế về cơ sở hạ tầng nghèo nàn và các hệ thống bị cô lập. Thứ ba, coi tình trạng kém phát triển của nền kinh tế Triều Tiên là cơ hội để “thử nghiệm” và thử thách các cách tiếp cận của thế hệ trẻ tương lai khi phát triển các mô hình dịch vụ đô thị và sản xuất. Thứ tư, tìm cách tăng cường những lợi thế tiềm năng vốn có thể nảy sinh từ quá trình hội nhập rộng lớn hơn ở bán đảo cũng như trong khu vực.

Cách thức để Triều Tiên trở thành “cường quốc kinh tế” khu vực ảnh 2Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Bình Nhưỡng của Triều Tiên. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Triều Tiên cũng cần tránh đi vào vết xe mà Trung Quốc đã làm trước đây khi vội vàng vơ lấy mọi cơ hội có được, dù nhỏ bé, để tận dụng lợi thế của một nền kinh tế thị trường.

Ngoài ra, việc bắt tay xây dựng nền kinh tế vốn chỉ dựa vào những quy mô khiêm tốn nhất như thế này cần dựa vào nền tảng phát triển giáo dục, ngoài việc tiếp thu và phát triển công nghệ cùng các cơ chế thị trường.

Mặc dù đạt được cấp độ giáo dục tương đối cao so với các nước đang phát triển khác, nhưng hệ thống giáo dục cơ bản và đào tạo nghề của nước này sẽ cần trải qua công cuộc trấn hưng lớn để có thể cung ứng đủ lực lượng lao động cho 50 năm tới.

Cuối cùng, ngoài những thách thức to lớn và lịch sử phức tạp, bán đảo Triều Tiên có được những lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi.

Chỉ cần một chuyến bay 3 giờ đồng hồ là có thể tới được hơn 60 thành phố với dân số hơn 1 triệu người. Bán đảo Triều Tiên sẽ phát huy hết tiềm năng đầy đủ của mình khi được hội nhập đầy đủ hơn với một khu vực vốn sẽ sớm chiếm hơn 1/3 tỷ trọng nền kinh tế toàn cầu và có sức mua vượt xa nước Mỹ ngày nay.

Như vậy, với tiềm năng đó, liệu một bán đảo Triều Tiên phát triển theo hướng thị trường, gắn kết về kinh tế nhiều hơn có thể thực sự trở thành một “tâm chấn” tiếp theo cho sự phát triển năng động và thần kỳ của khu vực hay không? Nếu có thể vượt qua những rào cản địa chính trị to lớn, câu trả lời sẽ là “có”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục