Cách thức hóa giải cục diện tiến thoái lưỡng nan của các nền kinh tế

Thống kê tháng Tư vừa qua của Ray Dalio, nhà sáng lập công ty quản lý đầu tư Bridgewater Associates, kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 20.000 tỷ USD do đại dịch, gấp đôi mức 10.000 tỷ USD do WHO dự kiến.
Cách thức hóa giải cục diện tiến thoái lưỡng nan của các nền kinh tế ảnh 1Ông Ray Dalio - nhà sáng lập công ty quản lý đầu tư Bridgewater Associates. (Nguồn: cnbc)

Theo Nhật báo kinh tế Đài Loan (Trung Quốc), thống kê vào tháng Tư vừa qua của Ray Dalio - nhà sáng lập công ty quản lý đầu tư Bridgewater Associates, kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 20.000 tỷ USD do đại dịch COVID-19 (riêng Mỹ thiệt hại 5.000 tỷ USD).

Con số trên gấp đôi mức 10.000 tỷ USD do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính vào tháng 10/2020 và lớn hơn nhiều so với thiệt hại mà trận "sóng thần tài chính thế kỷ" gây nên cho kinh tế toàn cầu năm 2008.

Khác với các tình huống thiên tai, diễn biến của đại dịch COVID-19 luôn có tính không xác định rất cao. Chẳng hạn, trong bảng xếp hạng khả năng chống chịu dịch bệnh do Bloomberg công bố hàng tháng, tiến hành đánh giá đối với 53 nền kinh tế hàng đầu thế giới, Đài Loan từng xếp thứ hai vào tháng 12/2020, nhưng đã tụt xuống vị trí 44 trong tháng Sáu vừa qua. Đương nhiên, tính khoa học và tính khách quan đối với hoạt động khảo sát của Bloomberg bị hoài nghi, bởi vì vị trí đứng đầu là Mỹ, trong khi Trung Quốc (thứ 8) và Singapore (thứ 13) đều xếp khá xa sau Mỹ.

Những tranh cãi kiểu này cũng đang phản ánh tình trạng tiến thoái lưỡng nan và lúng túng phổ biến của các nước khi đối diện với dịch COVID-19, nghĩa là mắc kẹt giữa sự lựa chọn "phòng dịch" và "kinh tế." Phòng dịch nghiêm ngặt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, nhưng phòng dịch lơi lỏng lại khiến cho dịch bệnh diễn biến xấu.

[Những thách thức toàn cầu trở nên trầm trọng hơn do COVID-19] 

Các nhà hoạch định chính sách của các nước đều đau đầu với câu hỏi làm thế nào để có thể xác định điểm cân bằng tốt nhất giữa "phòng dịch" và "kinh tế." Không những vậy, điểm cân bằng này còn khó nắm bắt hơn do virus vẫn đang tiếp tục biến đổi.

Về lý thuyết, cách duy nhất có thể hóa giải cục diện tiến thoái lưỡng nan này chính là tăng tỷ lệ tiêm chủng và hiệu quả của vaccine. Cũng chính vì vậy, cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu sẽ dần chuyển từ "kiểm soát nghiêm ngặt tự do cá nhân" của giai đoạn một sang "đọ sức vaccine" của giai đoạn hai. Khác với kiểm soát nghiêm ngặt tự do cá nhân, ngoại trừ một số ít nước lớn cá biệt, phần lớn các nước trên thế giới đều rơi vào trạng thái bị động do là bên đặt mua vaccine.

Ngày 21/01/2020, hai ngày trước khi Vũ Hán phong tỏa thành phố, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp, quyết định dốc toàn lực để nghiên cứu phát triển vaccine COVID-19, lần lượt là: Vaccine bất hoạt, vaccine axit nucleic (m-ARN), vaccine protein tái tổ hợp, vaccine vector (adenovirus), vaccine vector virus giảm độc lực.

Hiện nay, sự lựa chọn cơ bản của Mỹ và các nước châu Âu là vaccine axit nucleic. Loại vaccine này có hai ưu điểm lớn là quy trình đơn giản và hiệu quả cao, nhưng cũng có hai nhược điểm lớn là chưa có tiền lệ thành công và khó khăn trong vận chuyển, bảo quản.

Cách thức hóa giải cục diện tiến thoái lưỡng nan của các nền kinh tế ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Nagykata, Hungary, ngày 24/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bất chấp hoài nghi "đốt tiền," Trung Quốc vẫn quyết tâm dốc toàn lực nghiên cứu phát triển vaccine. Nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ thất bại trong nghiên cứu phát triển vaccine cao, nên cần dốc toàn lực với mục tiêu lớn là phải đảm bảo thành công. Với chính sách như vậy, hiện nay Trung Quốc đã có 21 loại vaccine đưa vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, 4 loại được phê duyệt đưa ra thị trường, trong đó có 2 loại được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO.

Tình hình tiêm chủng vaccine toàn cầu cho thấy, các loại vaccine khác nhau đều có những ưu và nhược điểm riêng, hiệu quả không đồng đều, nhưng nhìn chung đều có thể chứng minh giúp ngăn chặn bệnh diễn biến nặng và tử vong. Nói cách khác, diễn biến của dịch COVID-19 và sự phát triển của vaccine dường như đã xác định COVID-19 là một loại cúm, nghĩa là chỉ cần tiêm chủng vaccine thì tỷ lệ bệnh diễn biến nặng và tử vong sẽ rất thấp, song muốn xóa bỏ vĩnh viễn là điều không thể, do đó con người sẽ chung sống hòa bình với virus SARS-CoV-2. Thách thức duy nhất của loài người chính là làm thế nào để chạy đua với những biến thể mới của virus, điều chế vaccine mới để ứng phó với biến thể mới

Với nhận thức như vậy, việc gỡ bỏ phong tỏa hay không chính là một câu hỏi dựa vào nhận định khoa học. Theo số liệu mới nhất tính đến ngày 17/7, số liều vaccine tiêm chủng trên toàn Trung Quốc đã đạt 1,447 tỷ liều, chiếm 100,56% tỷ lệ dân số, tỷ lệ tiêm chủng của người dân trên 18 tuổi đạt hơn 80%. Dựa vào tiến độ hiện nay, hy vọng trong thời sớm nhất có thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng hai mũi cho trên 80% dân số cả nước, sau khi thực hiện miễn dịch cộng đồng sẽ dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.

Quý 1 và quý 2 vừa qua, kinh tế Trung Quốc lần lượt tăng trưởng 18,3% và 7,9%, dự kiến cả năm tăng trên 8%, đây là kết quả của việc duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định sau khi là nước đạt mức tăng trưởng dương duy nhất (2,3%) trong số các nền kinh tế chủ chốt trên toàn cầu năm 2020.

Đánh giá triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu sau dịch bệnh dưới góc độ này, có thể sẽ xuất hiện sự chênh lệch khá lớn giữa các nước. Singapore đã tuyên bố sẽ nhanh chóng quay lại trạng thái bình thường, nhưng e rằng phần lớn các nước khác, bao gồm nhiều nước phát triển vẫn chưa thể đưa tỷ lệ tiêm chủng và tỷ lệ nhiễm về trạng thái cân bằng. Đại dịch COVID-19 là một bài kiểm tra đánh giá trình độ ra quyết sách và năng lực quản trị của chính phủ các quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục