Cách thức Mỹ điều chỉnh chiến lược quân sự sau những sai lầm

Một Iraq có thể đứng độc lập với Iran và có chính quyền ổn định là các mục tiêu có lợi cho cả Iraq và Mỹ, song để đạt được Mỹ sẽ phải điều chỉnh chiến lược quân sự.
Cách thức Mỹ điều chỉnh chiến lược quân sự sau những sai lầm ảnh 1Binh sỹ Mỹ tại Iraq. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng thehill.com, ngày 26/8, người phát ngôn của liên minh do Mỹ dẫn đầu chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố rằng Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự tại Iraq cho đến khi còn cần thiết để đảm bảo sự ổn định và giúp huấn luyện sau cuộc chiến kéo dài 3 năm nhằm đánh bại IS.

Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã đưa ra một quyết định hợp lý. Việc đưa ra kế hoạch rút quân dựa trên các điều kiện ở Iraq thay vì sự thuận tiện chính trị ở Mỹ đã thừa nhận những sai lầm trước đây và là cách tốt nhất để đạt được những lợi ích lâu dài của Iraq và Mỹ.

Kể từ năm 2003, Mỹ đã 2 lần giảm sự hiện diện quân sự của mình ở Iraq và các phần tử khủng bố, tư tưởng bè phái đã lấp đầy khoảng trống.

Sau khi cuộc chiến kết thúc và Saddam Hussein bị lật đổ, chính quyền G.Bush đã giải tán quân đội Iraq, loại bỏ tất cả những người theo chủ nghĩa Ba’ath trong chính quyền và giảm quy mô hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq.

Việc không có một lực lượng hữu hiệu để ngăn chặn bạo lực, những người theo chủ nghĩa Ba’ath bất bình, al-Qaeda và lực lượng dân quân người Shia đã gây ra một cuộc nội chiến kéo dài cho đến tận năm 2007, khi Tổng thống Bush ra lệnh “tăng” quân.

[Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng rút quân khỏi Syria]

Thực hiện lời hứa chấm dứt sự hiện diện của Mỹ ở Iraq, Tổng thống Obama đã quyết định rút quân đội Mỹ vào năm 2011. Đúng như quy luật sau ngày là đêm, khoảng trống quyền lực ở Iraq lại tiếp tục được lấp đầy bởi các phần tử khủng bố, lần này là IS, tổ chức đã kiểm soát được một dải lãnh thổ lớn ở Syria và Iraq, và đe dọa đến chính quyền Iraq.

Năm 2014, Tổng thống Obama đã đưa quân đội Mỹ trở lại Iraq nhằm giải quyết mối đe dọa này. Sau này, Tổng thống Trump duy trì sự hiện diện quân sự này và chính quyền Iraq đã tuyên bố chiến thắng IS vào tháng 12/2017.

Một trong những bài học từ Iraq đó là những can thiệp quân sự lớn, đặc biệt là những can thiệp dẫn đến sự thay đổi chế độ, đòi hỏi một sự hiện diện quân sự kéo dài để có thể đạt được các mục tiêu chính sách của Mỹ. Bài học tương tự cũng được rút ra từ sự can thiệp của Mỹ ở Libya, Afghanistan, Triều Tiên, Đức và Nhật Bản.

Ở Libya, Mỹ đứng sau chỉ đạo một nỗ lực dẫn đến sự sụp đổ của Muammar Gaddafi năm 2011, nhưng Libya đã chuyển từ tình trạng chuyên chế sang tình trạng vô chính phủ vì Mỹ và các đồng minh không sẵn sàng cam kết nguồn lực quân sự cần thiết để đạt được một mức độ an ninh cơ bản.

Cũng giống như ở Iraq, từ năm 2001, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan cũng nhiều lần giảm chỉ để rồi sau đó lại tăng nhằm khôi phục lại những cái đã làm được trước đây nhưng bị mất đi một cách không cần thiết.

Rút cục, quân đội Mỹ nhìn chung chỉ không cho Taliban lại gần và làm giảm khả năng của Afghanistan trong việc che giấu al-Qaeda - vì các lợi ích của cả Afghanistan và Mỹ - và nhiều khả năng điều này sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới.

Ngược lại, ở bán đảo Triều Tiên, Đức và Nhật Bản, việc Mỹ duy trì một sự hiện diện quân sự ổn định và mạnh đã góp phần xây dựng các nền dân chủ vững mạnh và các liên minh của Mỹ. Mặc dù người phát ngôn của quân đội Mỹ tại Iraq thận trọng khi nói rằng ổn định tình hình hậu IS là một trong những lý do cho việc tiếp tục hiện diện quân sự, nhưng có ít nhất 2 lý do khác để quân đội Mỹ ở lại.

Thứ nhất, Iraq dễ gặp nguy hiểm trước Iran, quốc gia có lợi ích và ảnh hưởng gần như trái ngược hoàn toàn đối với Mỹ. Với 900 dặm biên giới chung, Iran là một quốc gia Hồi giáo Shia có lịch sử ủng hộ các bè phái khác nhau trong cộng đồng người Shia chiếm đến 70% dân số Iraq. Iran muốn một nước Iraq yếu và trung thành với mình.

Kể từ khi Saddam Hussein sụp đổ, Iran đã thúc đẩy các lợi ích của mình ở Iraq thông qua việc tài trợ cho các chính trị gia Iraq thân cận, làm suy yếu nước Iraq thống nhất và đưa quân sang chống IS.

Nếu không có quân đội Mỹ, Iran cũng sẽ tìm con đường địa lý tiếp cận các đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia và Jordan, cũng như đến Sirya - quốc gia là cầu nối thiết yếu với Hezbollah và Hamas và cũng là nơi Iran ủng hộ chế độ quyền tổng thống Syria Assad.

Thứ hai, sự vững mạnh của nền dân chủ ở Iraq dao động lên xuống cùng với sự hiện diện của quân đội Mỹ. Sau khi Mỹ rút quân năm 2011, cựu Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã nghiêng về phía Iran. Ông đã đưa nhiều người Shia vào bộ máy chính quyền và quân đội, làm giảm đi tính hợp pháp hai bộ máy này.

Nouri al-Maliki cũng mở cửa với Iran. Sau khi quân đội Mỹ quay lại, al-Abadi trở thành thủ tướng và có cách tiếp cận cân bằng hơn giữa Mỹ và Iran.

Trong cuộc bầu cử gần đây, các chính trị gia Iraq nhấn mạnh sự cần thiết phải vượt qua các liên kết bè phái thuần túy. Do những chia rẽ sắc tộc ở Iraq, giải pháp tốt nhất cho sự ổn định lâu dài và chấm dứt sự can thiệp quân sự của Mỹ là một nền dân chủ liên bang.

Mỹ có thể đóng vai trò có tính xây dựng trong việc đạt được kết quả này, nhưng ngày nay, điều này đòi hỏi nhiều thứ chứ không chỉ là một sứ quán có đầy đủ nhân viên.

Một Iraq có thể đứng độc lập với Iran và có chính quyền ổn định là các mục tiêu có lợi cho cả Iraq và Mỹ. Để đạt được các mục tiêu chung này đòi hỏi một sự hiện diện quân sự lâu dài tại Iraq và chính quyền Trump nên đi theo con đường này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục