Cách thức ngăn chặn một trật tự thế giới xoay chuyển

Cục diện thế giới sau 30 năm kết thúc Chiến tranh Lạnh đang có những thay đổi lớn. Mỹ và châu Âu rơi vào tình trạng bất ổn chính trị và sự chia rẽ ngày càng tăng trong xã hội.
Cách thức ngăn chặn một trật tự thế giới xoay chuyển ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thủ đô Buenos Aires, Argentina ngày 30/11/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Báo Yomiuri của Nhật Bản gần đây có bài viết với tiêu đề "Trật tự thế giới lung lay, không thể xây dựng sự ổn định bằng chủ nghĩa quốc gia dân tộc." Nội dung như sau:

Mô hình phát triển quan hệ đồng minh dựa trên pháp luật và dân chủ lấy Mỹ là trung tâm đang gặp phải những thách thức trực tiếp từ phía Nga và Trung Quốc. Cục diện thế giới sau 30 năm kết thúc Chiến tranh Lạnh đang có những thay đổi lớn. Mỹ và châu Âu rơi vào tình trạng bất ổn chính trị và sự chia rẽ ngày càng tăng trong xã hội.


Cần thay đổi chính sách an ninh, ngoại giao của Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bước vào nửa cuối nhiệm kỳ thứ nhất, cùng những quan ngại về sự tê liệt của chính phủ do những quan điểm đối lập tại Quốc hội và một thể chế độc đoán.

Nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ đã bị dồn vào thế phải từ chức, nghỉ việc bởi có những xung đột với Trump.

So sánh với các chính quyền Mỹ trước kia, tỷ lệ nghỉ việc của quan chức Mỹ đang ở mức rất cao. Chính sách của chính phủ đang gây bất an lớn khi thiếu sự rà soát, đánh giá của các nhà chuyên môn.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ, đảng Dân chủ đối lập đã giành quyền kiểm soát Hạ viện, các phe phái chính trị cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đang ở nhiều trạng thái khác nhau.

Thời gian tới, những dự luật và dự toán ngân sách do Trump thúc đẩy chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, chính trị Mỹ sẽ tiếp tục xáo trộn khi phe Dân chủ theo đuổi cuộc điều tra về việc đội ngũ của Trump có thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 hay không.

Cùng với đó, những mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa những người ủng hộ Trump và phe đối lập là không thể tránh khỏi.

Trong trường hợp không thể thực hiện được những cam kết như xây bức tường biên giới với Mexico, Trump sẽ cố gắng tìm cách thúc đẩy lĩnh vực ngoại giao.

Những câu hỏi chưa có lời giải đáp, chẳng hạn như Mỹ sẽ đối phó cuộc chiến thương mại với Trung Quốc như thế nào? Có thể đưa ra được biện pháp cụ thể phi hạt nhân hóa Triều Tiên hay không? Rút và giảm quân đội Mỹ ở Syria và Afghanistan có dẫn đến việc gia tăng những lực lượng cực đoan ở đây hay không?... sẽ trở thành vấn đề lớn đối với chính sách ngoại giao của Mỹ.

Việc cảnh báo về sự suy giảm lòng tin trong các mối quan hệ đồng minh với Mỹ là điều cần thiết, đặc biệt là khi Washington thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên”.

Lực lượng Mỹ đóng quân ở nước ngoài góp phần bảo vệ nước này và các đồng minh, cũng như hỗ trợ ổn định tình hình khu vực.

Do đó, chính quyền Trump nên xem lại chính sách an ninh, ngoại giao; trong đó không thể thiếu nỗ lực tăng cường quan hệ đồng minh với Nhật Bản và khối quân sự Bắc Đại Tây Dương.


Tình hình Trung Đông tiếp tục rối loạn

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa Iran và Saudi Arabia ngày càng căng thẳng, việc Mỹ hỗ trợ Saudi Arabia, cũng như mối quan hệ ngày càng mật thiết giữa Nga và Iran, đang khiến tình hình tại khu vực Trung Đông ngày một phức tạp.

[Nhìn lại năm 2018: Nhiều cơ hội bị bỏ lỡ trong mối quan hệ Nga-Mỹ]

Điều quan trọng của các quốc gia liên quan lúc này là kết thúc cuộc nội chiến ở Yemen và Syria, nhổ tận gốc mầm mống khủng bố. Trước làn sóng tị nạn và nguy cơ khủng hoảng năng lượng, các nước phải nêu cao quyết tâm ổn định khu vực này.

Củng cố lại Liên minh châu Âu (EU)

EU đang đứng trước bước ngoặt lớn. Thời điểm Anh rời EU, còn gọi là Brexit, vào ngày 29/3 đang tới gần. Tuy nhiên, các bên hiện vẫn chưa đạt được những nội dung cốt lõi về quan hệ giữa Anh và EU sau Brexit.

Cả Anh và EU đều không được phép quên trách nhiệm quan trọng của họ là ngăn chặn những ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế thế giới.

Các thành viên EU đã xây dựng mối quan hệ mật thiết mang tính giai đoạn về việc san sẻ, thực hiện chung quyền hạn liên quan tới chính sách thương mại và di dân. Anh đã có sự tính toán sai khi không thể dễ dàng thực hiện được những chủ trương phục hồi quyền lực mà phe cứng rắn trong nước đưa ra hậu Brexit.

Khó khăn tiếp theo mà EU đang gặp phải là những bất ổn chính trị trong nước. Uy tín của các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức đang suy giảm mạnh.

Thủ tướng Đức Angela Merkel dù đã phải từ chức chủ tịch đảng cầm quyền, song cũng không thể giảm bớt những chỉ trích nhắm vào chính sách tiếp nhận người di cư của bà.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người đang tiến hành cải tổ kinh tế nước này - cũng phải gánh chịu sự chỉ trích mạnh mẽ vì những chính sách được cho là ưu tiên người giàu, dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối ngày càng lan rộng ở trong nước.

Để tiến hành củng cố lại khối, các nước chủ chốt trong EU trước hết phải ổn định được tình hình trong nước. Dựa trên kinh nghiệm đã từng trải qua như xử lý vấn đề khủng hoảng tài chính Hy Lạp và người di cư, EU được tin tưởng sẽ vượt qua khó khăn hiện tại.

Ngoài ra, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5/2019 nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với xu hướng phản đối liên minh này cũng như đề cao chủ nghĩa dân tộc. Kết quả cuộc bầu cử sẽ định hình tương lai của “lục địa già” trong tương lai.

Ngăn chặn sự chia rẽ chính trị, xã hội

Những chia rẽ lớn đang diễn ra trên thế giới như mâu thuẫn giữa thành phố và địa phương; giữa tầng lớp lao động và tầng lớp giàu có, quyền lực; giữa chủ nghĩa toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân tộc. Đây là thực trạng chung tại các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu.

Mô hình tại Trung Quốc và Nga sẽ trở thành một tài liệu tuyên truyền cho tính ưu việt và sự ổn định chính trị, xã hội. Vì vậy, yêu cầu được đặt ra là phải xem xét lại mô hình ở các quốc gia châu Âu và Mỹ, cùng với đó là nỗ lực xây dựng, thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục