Cách thức Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Á

Trong thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thể hiện hoạt động cụ thể, tự định vị mình là nhà lãnh đạo của “thế giới người Turkic” và nỗ lực tham gia vào những gì đang diễn ra ở Trung Á.
Cách thức Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Á ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Expatguideturkey)

Theo Hội đồng Đối ngoại Nga về các vấn đề quốc tế - RIAC, trong thời gian gần đây, sự chú ý của cộng đồng quốc tế đang đổ dồn vào Trung Á.

Lý do là bởi các sự kiện đã diễn ra trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến khu vực, ví dụ như phong trào Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan, các sự kiện ở Kazakhstan, sự hồi sinh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thể hiện hoạt động cụ thể, tự định vị mình là nhà lãnh đạo của “thế giới người Turkic” và nỗ lực tham gia vào những gì đang diễn ra với những người chơi chính bên ngoài khu vực như Nga, Trung Quốc.

Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn xây dựng vai trò như một tiền đồn của “khối phương Tây” và mở rộng ảnh hưởng tới các nước cộng hòa Trung Á mới thành lập.

Trong bối cảnh này, mô hình phát triển chính của Thổ Nhĩ Kỳ là kết hợp hệ thống chính trị dân chủ thế tục, tôn trọng các giá trị Hồi giáo, chính sách nhà nước theo định hướng xã hội và nền kinh tế thị trường.

Yếu tố gần gũi về tính dân tộc giữa các quốc gia, vốn được sử dụng như một lập luận ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ hình thành vị thế đại diện của các nước Cộng hoà Turkic trên trường quốc tế, cũng rất quan trọng.

Tuy nhiên, sự miễn cưỡng của các nước trong khu vực trong việc tiếp tục phát triển dưới sự lãnh đạo của “thủ lĩnh” tiếp theo đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải hạn chế hợp tác kinh tế, văn hoá với họ.

Các lĩnh vực hợp tác chính

 Một trong những công cụ chính giúp Thổ Nhĩ Kỳ củng cố vị thế của mình trong khu vực là hợp tác kinh tế ngày càng sâu rộng. Trước hết, Ankara coi Trung Á như một hướng triển vọng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông. Việc tạo ra các tuyến đường cao tốc và các tuyến đường mới là cần thiết để khắc phục sự phụ thuộc về cơ sở hạ tầng của các nước cộng hòa hậu Xô Viết vào Nga, vì vậy, các nước trong khu vực đề xuất rất nhiều dự án.

Vào tháng 12/2018, tại triển lãm hàng hóa các nước thuộc Hội đồng Turkic, ghi nhận đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ vào Trung Á đã vượt 85 tỷ USD. Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư vào một số dự án quy mô lớn - xây dựng một cảng quốc tế ở Ashgabat và việc khôi phục một cảng ở Turkmenbashi.

Ngoài ra, vào năm 2020, công ty TAV Airport của Thổ Nhĩ Kỳ đã mua lại 100% cổ phần của sân bay Almaty, thành phố lớn nhất ở Kazakhstan.

Các kế hoạch trong tương lai cũng đầy tham vọng. Thổ Nhĩ Kỳ dự định cùng với Trung Quốc thực hiện dự án tuyến đường vận tải xuyên Caspi - một huyết mạch sẽ kết nối các quốc gia thuộc thế giới Turkic.

Thông qua việc xây dựng hành lang này, Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo cho mình sẽ có một lối trực tiếp đi vào Trung Á, qua đó cho phép nâng cao xuất khẩu hàng hóa sản xuất, cũng như nhập khẩu nguyên liệu thô. Khu vực này cũng được Ankara quan tâm trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara đang nỗ lực tăng nguồn cung dầu Kazakhstan theo tuyến đường ống dẫn Baku-Tbilisi-Ceyhan và khí đốt Turkmen thông qua đường ống dẫn khí đốt xuyên Anatolian, một phần của dự án Hành lang khí đốt phía Nam.

[UAE và Thổ Nhĩ Kỳ ký 13 thỏa thuận hợp tác về nhiều lĩnh vực]

Những kế hoạch như vậy đã chứng minh cho dự định của Ankara để trở thành một “trung tâm năng lượng” của Á-Âu, qua đó châu Âu sẽ nhận khí đốt từ Nga, Trung Á, Azerbaijan và Đông Địa Trung Hải.

Cần lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ có cơ cấu kinh tế khác về cơ bản so với các nước Trung Á, nhờ đó có thể đáp ứng nhu cầu các nước trong khu vực, ví dụ như những loại hàng hoá mà các nước này không tự sản xuất được. Tuy nhiên, tổng khối lượng xuất khẩu còn hạn chế vì thiếu cơ sở hạ tầng phát triển.

Từ năm 2010 đến 2020, kim ngạch thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Trung Á đã tăng từ 5,5 tỷ USD lên 6,3 tỷ USD. Tuy vậy, con số này vẫn chỉ bằng 1,5% tổng kim ngạch thương mại của Ankara. Điều này cho thấy rằng vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ giao dịch với Uzbekistan và Kazakhstan - kim ngạch thương mại với từng quốc gia này vượt hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong danh sách các đối tác thương mại lớn của các nước Trung Á này, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn không nằm trong top 3 nước đứng đầu.

Khó có thể cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, và thành công của Ankara trong việc xây dựng sự hiện diện kinh tế của mình ở Trung Á đang mờ dần đi trước sự thành công của những người chơi lớn khác.

Bên cạnh hợp tác kinh tế ngày càng sâu rộng, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia Trung Á trong lĩnh vực quân sự. Trước hết, các cuộc tiếp xúc song phương với các nước trong khu vực, gần đây đã lên tầm cao mới.

Hiện nay ý tưởng thành lập “quân đội Turan” - một khối quân sự với sự tham gia của các quốc gia Turkic - đang được thảo luận tích cực. Các bước đầu tiên thực hiện sáng kiến này đã được triển khai từ năm 2013, sau khi thành lập Tổ chức các Cơ quan thực thi pháp luật quân sự Á-Âu (TAKM), bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Kyrgyzstan và Mông Cổ. Kazakhstan cũng bày tỏ mong muốn tham gia TAKM.

Sức mạnh mềm

 Cùng với nền kinh tế trong những năm 1990, Thổ Nhĩ Kỳ đã dựa vào việc sử dụng một loạt các công cụ quyền lực mềm ở Trung Á. Do đó, cơ sở cho chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực chủ yếu được hình thành bởi một số hướng chính, trong đó có thể chỉ ra chính sách liên quan đến việc phổ biến ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, và theo nghĩa rộng là giáo dục.

Trong khuôn khổ chính sách đang được thực hiện, có thể kể ra một số mục tiêu ưu tiên chính mà phía Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi, trong đó bao gồm phát triển “bản sắc Turkic mới” dưới sự lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu dựa trên ý tưởng về một cộng đồng văn hoá và tôn giáo, tạo thành một bộ giá trị duy nhất làm nền tảng cho thế giới quan của người dân các nước nói tiếng Turkic.

Trong tương lai, điều này sẽ là cơ sở cho sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế, cũng như chính trị.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, điều quan trọng không kém là nhiệm vụ xây dựng và duy trì “hình ảnh mới của đất nước” - quốc gia đang trải qua quá trình chuyển đổi quan trọng từ những năm 2010, đó là hình ảnh “người bảo vệ người Hồi giáo và người Turkic” trên khắp thế giới.

Để đạt được các mục tiêu này, việc phổ biến các sản phẩm của văn hóa đại chúng Thổ Nhĩ Kỳ như ngành công nghiệp điện ảnh và lĩnh vực giải trí nói chung cũng được sử dụng tích cực. Do đó, có một sự du nhập cần thiết vào ý thức cộng đồng các quốc gia trong khu vực để nâng cao hình ảnh Thổ Nhĩ Kỳ gắn với văn hoá, lịch sử và tôn giáo của đất nước.

Chính sách cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia trong khu vực cũng được tăng cường, bao gồm một số ít khoản tiền mặt, xoá nợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và hậu cần trong một số lĩnh vực nhất định.

Cơ sở thể chế cho chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Trung Á

Yếu tố thể chế trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Á là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất. Một mặt, có một mạng lưới rộng lớn các tổ chức đã được phí Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng từ những năm 1990 với vai trò dẫn dắt khu vực. Mặt khác, không thể phủ nhận sự manh mún và kém hiệu quả của cấu trúc tổ chức chủ yếu mang danh nghĩa này.

Liên quan vấn đề này, cần phải tính đến khía cạnh này khi nghiên cứu về chính sách và vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, phân chia mạng lưới các tổ chức hiện có thành một vài khối trong tổng thể chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Khối tổ chức đầu tiên được đại diện bởi Hội đồng hợp tác các quốc gia nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (kể từ năm 2021 - Tổ chức các quốc gia nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ) và một tổ hợp các tổ chức hoạt động dưới sự bảo trợ của Hội đồng này. Chính Hội đồng này ngày nay đang được Thổ Nhĩ Kỳ xác định là một nền tảng trung tâm cho sự hội nhập và hợp tác giữa các quốc gia Turkic.

Mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm nâng cao tầm quan trọng của Hội đồng này thông qua việc tham gia vào quá trình giải quyết các sự kiện gần đây ở Kazakhstan. Hiện các thành viên của Hội đồng này bao gồm Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan, và trong khuôn khổ của Hội đồng này có các chi nhánh như Tổ chức Quốc tế Văn hoá Turkic (TURKSOY), Hội đồng Nghị viện các quốc gia Turkic, Viện Hàn lâm Turkic quốc tế, cũng như Quỹ văn hoá và Di sản Turkic.

Các tổ chức này tham gia vào việc phổ biến và tăng cường mối quan hệ văn hoá, tăng cường đối thoại chính trị, phát triển nghiên cứu về thế giới người Turkic, cũng như bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa các nước đại diện cho thế giới người Turkic.

Mục tiêu toàn cầu của thể chế này là nhằm phát triển sự hội nhập hiệu quả giữa các đại diện thế giới người Turkic trên cơ sở tăng cường quan hệ văn hoá, giáo dục, chính trị-xã hội và kinh tế. Tất cả những yếu tố này đều dựa trên luận điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về khái niệm tồn tại của một thế giới Turkic duy nhất và theo đó là bản sắc Turkic.

Khối tổ chức thứ hai được gắn liền với giáo dục và theo nghĩa rộng hơn là lĩnh vực văn hoá, xã hội trong hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là nền tảng của chính sách Trung Á của nước này. Liên quan vấn đề này, cần lưu ý tới hoạt động của Quỹ Yunus-Emre và hoạt động của Viện Yunus-Emre, và các đại diện trên khắp thế giới dưới hình thức Trung tâm Văn hoá Yunus-Emre.

Mặc dù các Trung tâm hiện nay không có đại diện tại các quốc gia Trung Á, nhưng Quỹ này nói chung vẫn thực hiện các dự án và tổ chức các sự kiện tập trung vào khu vực này và dân số của khu vực này.

Khối tổ chức thứ ba là gắn với sáng kiến đề xuất được cựu Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đưa ra vào đầu những năm 2000 về một chính sách nhân đạo, cải thiện điều kiện sống của con người. Liên quan vấn đề này, đáng chú ý là hoạt động của Cơ quan Hợp tác và Phát triển quốc tế Thổ Nhĩ Kỳ (TIKA) - cơ quan ban đầu được thành lập với trọng tâm nhắm tới các nước cộng hòa Trung Á.

TIKA là tổ chức quan trọng để thực hiện hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tổ chức này mở rộng hoạt động của mình ra ngoài Trung Á, thực hiện các dự án ở Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ Latinh…

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nhà tài trợ viện trợ nhân đạo ngày càng lớn và là một trong những nước đi đầu về chỉ số này tính theo tỷ lệ Tổng thu nhập quốc dân. Những đối tượng được nhận hỗ trợ đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ vừa qua, chuyển sang các nước Trung Đông và châu Phi, nhưng top 10 vẫn bao gồm Kyrgyzstan và Kazakhstan.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đang tự khẳng định mình là nhà lãnh đạo đồng thời ở một số khu vực trên thế giới, bao gồm thế giới Turkic, nhấn mạnh tầm quan trọng của đất nước với tư cách là một trung tâm quyền lực ngày càng lớn trong hệ thống quốc tế đa cực và làm cho chính sách của họ ở Trung Á có ý nghĩa nhiều hơn.

Dù Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện hành động và tham vọng của mình nhưng chính sách này của Ankara vẫn có một số đặc điểm hạn chế.

Mặc dù các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Á hiện nay và chính sách “quay trở lại” Trung Đông của Nga từ năm 2015, cả vào đầu những năm 1990 thường diễn ra song song, nhưng cho tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là người chơi nhỏ nằm ngoài khu vực. Điều này được khẳng định bởi các hành động hạn chế của nước này trong các vấn đề an ninh và không có khả năng can thiệp trực tiếp vào quá trình giải quyết các yếu tố khủng hoảng, mà trước hết là đặc quyền của Liên bang Nga.

Đó chính là lý do tại sao mặc dù có những lập luận tích cực về vấn đề hợp tác quân sự nhưng trọng tâm hợp tác chính lại được hướng tới những lĩnh vực mà ảnh hưởng của người chơi khác bị hạn chế. Ví dụ như các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, kinh tế và nhân đạo. Tuy nhiên, các định hướng này cũng chưa nói lên được thành công và hiệu quả.

Tất cả những điều này cho thấy rằng mặc dù chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường rõ rệt ở Trung Á và thể hiện rõ tham vọng trong các kế hoạch của nước này, cũng như những hoạt động hiện có nhằm phát triển ảnh hưởng của đất nước trong khu vực theo nhiều cách, nhưng dường như chúng đang bị phóng đại và không khả thi về mặt dài hạn.

Tuy nhiên, điều này không phủ nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của quốc gia này đối với toàn bộ khu vực Trung Á liên quan đến việc xây dựng chiến lược của quốc gia thứ ba như Nga, Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục