Cách thức tìm kiếm 'quyền lực mềm' của Trung Quốc

Nhiều người trên thế giới đang kinh ngạc trước sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ trong vòng một thế hệ, tuy nhiên, cảm nhận của mọi người về Trung Quốc được hình thành bởi hai trường phái khác nhau.
Cách thức tìm kiếm 'quyền lực mềm' của Trung Quốc ảnh 1Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo trang mạng asiatimes.com, nhiều người trên thế giới đang kinh ngạc trước sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ trong vòng một thế hệ.

Tuy nhiên, cảm nhận của mọi người về Trung Quốc được hình thành và ảnh hưởng bởi hai trường phái khác nhau.

Thứ nhất, trường phái về chủ nghĩa ngoại lệ Trung Quốc ca ngợi sự vĩ đại, kiên cường và linh hoạt của hệ thống Trung Quốc với kế hoạch thống trị thế giới một cách từ từ. Với những người ủng hộ trường phái này, chế độ Trung Quốc không chỉ linh hoạt mà còn rất khác biệt, có thể vượt qua các thách thức lớn trong và ngoài nước.

Thứ hai, trường phái về sự sụp đổ tiềm tàng của Trung Quốc lập luận rằng Trung Quốc sẽ là nạn nhân của sự thành công của chính họ. Sự tổn hại của hệ sinh thái, nợ xấu chồng chất ở cả lĩnh vực công và tư - cùng sự bất mãn sục sôi về tình trạng tham nhũng và chủ nghĩa tư bản bè cánh đang củng cố “niềm tin” về sự sụp đổ của Trung Quốc.

Những người ủng hộ trường phái này thường quên đi những cơ hội tiềm năng mà Trung Quốc có trong ngành công nghiệp, khoa học và văn hóa...

[Quyền lực mềm của hai 'người khổng lồ' ở khu vực châu Á]

Khả năng một quốc gia có thể khiến nước khác hành động theo ý mình - mà không sử dụng vũ lực hay cưỡng bức - là lý thuyết gây tranh cãi trong quan hệ quốc tế, và được gọi là “quyền lực mềm.”

Các quốc gia có hai loại quyền lực - quyền lực cứng và quyền lực mềm. Hai loại quyền lực này cấu thành “quyền lực toàn diện của quốc gia.”

Quyền lực toàn diện của quốc gia là thước đo sức mạnh của một quốc gia. Quyền lực cứng gồm sức mạnh kinh tế, quân sự và hạt nhân; quyền lực mềm là sức hút của văn hóa, tôn giáo, trang phục, hệ thống chính trị và chính sách đối ngoại của quốc gia đó.

Quyền lực mềm có thể được miêu tả là “củ cà rốt”, còn gọi là sức lôi cuốn hay sức ảnh hưởng, trong khi quyền lực cứng là “cây gậy” để đánh bại nước khác. Như vậy, “siêu cường” là một quốc gia có khả năng đặc biệt và vô song trong việc thể hiện hai loại quyền lực đó...

Đối với Trung Quốc, quyền lực mềm của họ đã gia tăng cùng với sức ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của họ trên trường quốc tế trong những năm gần đây. Hình ảnh của Trung Quốc đã được thay đổi thành quốc gia cung cấp các hàng hóa chất lượng cao và giá cả phải chăng thay vì hàng hóa chất lượng thấp như trước đây.

Trong con mắt của mọi người dân, Trung Quốc cũng là nhà lãnh đạo trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và có thể “làm đến nơi đến chốn”...

Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác cũng là quyền lực mềm của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo ở các nước đang phát triển thích “bắt tay” với Trung Quốc bởi sự hỗ trợ vô điều kiện và sự tôn trọng của họ với các nước khác bất kể nước lớn hay nước nhỏ. Điều này trái ngược với bản danh sách một loạt điều kiện mà phương Tây đặt ra với các nước nhận viện trợ phát triển.

Đối với phương Tây, nguyên tắc không can thiệp của Trung Quốc đang hậu thuẫn “các nhà độc tài ở Thế giới thứ ba” và là đòn giáng vào trật tự tài chính toàn cầu dựa trên luật pháp được thiết lập bởi Câu lạc bộ Paris (nhóm 19 quốc gia chủ nợ giàu có nhất thế giới)...

Trung Quốc dường như nhận thức rõ về việc đầu tư vào quyền lực mềm, trong lúc sự tương tác của họ với thế giới bên ngoài gia tăng trong những năm gần đây. Hệ thống truyền hình toàn cầu của Trung Quốc (CGTN) và tờ Thời báo Hoàn cầu là hai kênh chính để truyền tải thông điệp với thế giới từ góc nhìn của Trung Quốc.

Thời báo Hoàn cầu từng là công cụ quan trọng của Trung Quốc để truyền tải thông điệp tới các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ và công chúng trong cuộc đụng độ ở biên giới tại Doklam năm 2017.

Trong thời gian xảy ra cuộc đối đầu đó, số lượng các bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu được truyền thông Ấn Độ đăng tải lại là rất đáng kể. Các viện Khổng tử cũng là “vũ khí” mới của Trung Quốc để gia tăng quyền lực mềm văn hóa.

Việc học tiếng Trung Quốc tại các trường học ở các nước đang phát triển là một xu hướng đang ngày một phát triển. Số lượng sinh viên quốc tế từ các nước đang phát triển và nước láng giềng sang Trung Quốc học ngành y và kỹ thuật gia tăng cũng cho thấy quyền lực mềm đang lên của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng có số lượng sinh viên quốc tế du học tại các trường đại học lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ...

Hiện nay, Trung Quốc và các viện tư vấn ngày một gia tăng của họ cần phải xem xét kỹ về “nội dung” và “phương tiện truyền thông” để truyền tải thông điệp của họ ra thế giới bên ngoài.

Sự cần thiết hiện nay của các viện tư vấn của Trung Quốc đó là phát triển các thông điệp cũng như các luận điểm phản bác để khiến người dân hiểu rõ về các kế hoạch của họ. Nếu có thể, họ cần can thiệp sâu vào các vấn đề gây tranh cãi toàn cầu liên quan đến Trung Quốc, thay vì chỉ đảm nhiệm vai trò bị động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục