Cách thức vực dậy Tổ chức Thương mại Thế giới đang 'ốm yếu'

Trong một nền kinh tế thế giới vốn bị suy yếu bởi COVID-19, chúng ta giờ đây phải sử dụng “liều thuốc giải độc” cần thiết để khôi phục WTO, bao gồm ý chí chính trị, sự quyết tâm và tính linh hoạt.
Cách thức vực dậy Tổ chức Thương mại Thế giới đang 'ốm yếu' ảnh 1Trụ sở WTO. (Nguồn: Bilaterals.org)

Theo trang mạng project-syndicate.org, ngày nay, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chủ yếu xuất hiện trên tin tức báo chí vì những hoạt động bất hợp lý.

Nhiều người coi tổ chức này là “viên cảnh sát” hoạt động thiếu hiệu quả với những luật lệ lỗi thời không phù hợp với các thách thức trong nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21.

Các thành viên WTO nói chung đồng tình rằng tổ chức này cần được cải tổ ngay lập tức để duy trì hoạt động hợp lý.

Trong những tháng gần đây, WTO đã đối mặt với nhiều thách thức hơn. Cơ quan phúc thẩm của WTO - một thiết chế phân xử các tranh chấp thương mại giữa các thành viên - đã ngừng hoạt động từ tháng 12/2019 do bất đồng trong việc bổ nhiệm các thẩm phán mới.

Đến tháng 5/2020, Tổng giám đốc Roberto Azevêdo tuyên bố rằng ông sẽ từ chức vào cuối tháng 8/2020, một năm trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.

Bất kỳ ai kế nhiệm ông Azevêdo sẽ đối mặt với thách thức lớn. Kể từ khi được thành lập năm 1995, WTO đã không thể hoàn tất vòng đàm phán về thương mại toàn cầu, do đó bỏ lỡ cơ hội để mang lại các lợi ích chung cho các thành viên.

Vòng đàm phán Phát triển Doha - được khởi động từ tháng 11/2001 - theo kế hoạch được hoàn tất vào tháng 1/2005.

15 năm sau, các thành viên WTO vẫn đang tranh cãi về việc liệu tiến trình Doha có nên tiếp tục hay không. Một số cho rằng tiến trình này đã bị ảnh hưởng bởi nhiều sự kiện, trong khi một số khác muốn theo đuổi các cuộc đàm phán.

Đến nay, WTO chỉ đưa ra một vài thỏa thuận đáng chú ý khác, ngoài Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại có hiệu lực từ tháng 2/2017 và quyết định hồi năm 2015 nhằm loại bỏ tất cả loại hình trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp.

Trong khi đó, một số thành viên đã làm việc cùng nhau để tiến tới các thỏa thuận thương mại khu vực lớn hơn, bao gồm các vấn đề nhức nhối như kinh tế số, đầu tư, cạnh tranh, môi trường và biến đổi khí hậu.

Vòng đàm phán Phát triển Doha - với mục tiêu hiện đại hóa bộ quy tắc của WTO - chỉ bao gồm một vài trong số các chủ đề đó. Và thậm chí một số quy tắc hiện hành của tổ chức này có thể dễ dàng bị phá vỡ, do đó gây ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của các nước thành viên.

Lấy ví dụ, trong đợt khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19), một số quốc gia đã áp đặt kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng y tế và thực phẩm nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt trong nước.

Tuy nhiên, bất luận các thách thức này, WTO không phải là “sự thất bại." Thay vào đó, nó được xây dựng dựa trên các thành công tiền thân là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) có hiệu lực từ năm 1948. Hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, vốn bắt đầu từ GATT, đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 7 thập kỷ qua, với việc cắt giảm thuế quan và dần loại bỏ các hàng rào phi thuế quan.

[Tổ chức Thương mại Thế giới tránh được nguy cơ khủng hoảng]

Kết quả là mức sống của người dân đã được cải thiện tại hầu hết các quốc gia. Hơn nữa, thương mại toàn cầu dựa trên luật pháp đã giúp củng cố hòa bình và an ninh, bởi các đối tác thương mại có nhiều khả năng giải quyết bất đồng thông qua đàm phán hơn là qua xung đột vũ trang.

Song, các thành viên WTO ngày nay thừa nhận sự cần thiết phải cải tổ tổ chức này trong thế kỷ 21. Các quốc gia phát triển cho rằng họ đã phải chịu “gánh nặng” tự do hóa thương mại trong thời gian quá dài, và rằng các quốc gia đang phát triển nên gánh vác thêm nhiều nghĩa vụ hơn nếu đặt họ vào vị trí phải làm như vậy.

Trong khi đó, các quốc gia kém phát triển và các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp cho rằng các luật lệ của WTO cản trở các nỗ lực của họ trong tiến trình phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế.

Trong 2 thập kỷ qua, “thương mại thế giới” đã bị giới chỉ trích coi là nguyên nhân gây ra những tổn thương kinh tế mà một số quốc gia đang đối mặt. Tuy nhiên, thương mại không phải là cuộc chơi có tổng bằng 0: các quyền và nghĩa vụ có thể được cân đối hợp lý, như những thay đổi trong luật lệ thương mại toàn cầu và khu vực kể từ năm 1948 cho thấy. Do vậy, câu hỏi mà WTO và các thành viên đang đối mặt hiện nay đó là làm thế nào để thúc đẩy tiến triển và đạt được các thỏa thuận cùng có lợi.

Tất cả các thành viên nên tham gia nỗ lực này, bởi đó là cách duy nhất tổ chức này giành lại uy tín và đảm nhiệm vai trò vạch ra các luật lệ. Các cuộc đàm phán mới do đó phải tính đến các mức độ phát triển kinh tế khác nhau của các nước thành viên, và nhằm mục tiêu hướng tới đạt được các thỏa thuận công bằng và hợp lý.

Các ưu tiên quan trọng khác cho WTO cũng bao gồm cải thiện sự minh bạch trong việc thông báo kịp thời về các biện pháp thương mại của các quốc gia, cũng như phải có một hệ thống giải quyết tranh chấp hiệu quả được tất cả các thành viên tin tưởng.

Một WTO “hấp hối” sẽ không phục vụ lợi ích cho bất kỳ quốc gia nào. Một hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ là mối lợi chung, và việc không thể khôi phục nó sẽ làm xói mòn các nỗ lực của các chính phủ nhằm đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra.

WTO đóng vai trò không thể thay thế trong việc cải thiện triển vọng kinh tế của các quốc gia và đời sống người dân trên toàn thế giới. Mặc dù cuộc khủng hoảng hiện nay khiến người ta tập trung hơn nữa tới “sức khỏe đang suy yếu” của tổ chức này, nhưng sự lao dốc hơn nữa của WTO không hẳn sẽ xảy ra.

Trong một nền kinh tế thế giới vốn bị suy yếu bởi COVID-19, chúng ta giờ đây phải sử dụng “liều thuốc giải độc” cần thiết để khôi phục WTO, và liều thuốc đó bao gồm ý chí chính trị, sự quyết tâm và tính linh hoạt của các thành viên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục