Cách tiếp cận chiến lược của Ấn Độ trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ

Bất chấp cách tiếp cận lạnh nhạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Mỹ vẫn vô cùng sâu sắc và mặc dù coi Trung Quốc là đối thủ, New Delhi vẫn xem Bắc Kinh là đối tác.
Cách tiếp cận chiến lược của Ấn Độ trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman ra tuyên bố chung sau cuộc gặp 2+2 ở New Delhi ngày 6/9. (Ảnh: EPA)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, bất chấp cách tiếp cận lạnh nhạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Mỹ vẫn vô cùng sâu sắc.

Thỏa thuận hạt nhân dân sự được hai nước ký kết hồi tháng 10/2008 đã đánh dấu một khởi đầu mới. Và cả Thỏa thuận chia sẻ hậu cần quốc phòng 2016 lẫn Thỏa thuận về tính tương thích và bảo mật truyền thông 2018 cũng góp phần củng cố thêm mối quan hệ này.

Việc Mỹ quyết định đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng là một lời xác nhận mang tính biểu tượng đối với vai trò trung tâm của Ấn Độ trong khu vực.

Với đà phát triển này, việc Ấn Độ coi Mỹ là một đối tác mạnh mẽ trong tương lai, cả về quân sự lẫn chiến lược, là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là một lời chứng thực cho một trật tự khu vực do Mỹ lãnh đạo.

Mỹ có tầm nhìn về an ninh khu vực dựa trên xu hướng chống Trung Quốc, trái ngược với tầm nhìn của Ấn Độ về một trật tự khu vực dựa trên “tính toàn diện.” 

Mặc dù Ấn Độ coi Trung Quốc là đối thủ ở một số khía cạnh, song New Delhi vẫn luôn xem Trung Quốc như một đối tác bình đẳng trong các vấn đề song phương và toàn cầu.

Quan điểm này đã được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định tại Đối thoại Shangri-La về an ninh châu Á năm 2018.

[Mỹ-Ấn Độ thảo luận về 'hướng đi tương lai' của quan hệ song phương]

Modi đã bác bỏ quan niệm rằng “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một chiến lược hoặc là một câu lạc bộ giới hạn thành viên.” 

Việc coi cả Nga và Trung Quốc là những đối tác khu vực cho thấy tầm nhìn của Ấn Độ về trật tự khu vực không có sự hòa hợp chiến lược với tầm nhìn của Mỹ.

Cách tiếp cận chiến lược của Ấn Độ trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ ảnh 2Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi cần phải đưa ra quyết định, New Delhi đã không tán thành quan điểm chống Trung Quốc của Washington. Sự vắng mặt của Ấn Độ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu được tổ chức tại Washington hồi tháng Bảy vừa qua đã minh chứng cho điều này.

Đây là diễn đàn để cả Nhật Bản và Australia cùng tụ họp nhằm mục tiêu khuyến khích đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ công bố sẽ đầu tư 113 triệu USD cho khu vực, bao gồm các hạng mục như kết nối kỹ thuật số, năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Điều này sẽ thúc đẩy cách tiếp cận “quan hệ đối tác chiến lược” của Mỹ đối với khu vực với hy vọng cân bằng cách tiếp cận “dựa dẫm chiến lược” của Trung Quốc, cụ thể là thông qua những gì Sáng kiến “Vành đai và con đường” cung cấp cho thế giới.

Sự vắng mặt của New Delhi tại diễn đàn ở Washington là một điều gây bất ngờ. Lý do là bởi Ấn Độ là một thành viên của diễn đàn tư vấn bốn bên cấp thấp cùng với Australia, Nhật Bản và Mỹ nhằm mục đích tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Và vào tháng 5/2018, Ấn Độ cùng Mỹ và Nhật Bản cũng đã tham gia một diễn đàn phát triển cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác.

Do chính Ấn Độ cũng thể hiện sự phản đối dành cho Sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc, nên dường như việc Ấn Độ và các quốc gia “cùng chí hướng” khác xích lại gần nhau là điều thích hợp.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của Ấn Độ chỉ đơn giản là để khẳng định thái độ lưỡng lự của họ trong việc chấp nhận các kế hoạch do Mỹ lãnh đạo nhằm chống lại Trung Quốc.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và cởi mở” của Mỹ dựa trên việc xây dựng “quan hệ đối tác chiến lược”, vốn là để bổ sung cho chiến lược “liên minh chiến lược” của Mỹ ở châu Á. Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ luôn đi trước.

Cách tiếp cận này trái ngược với tầm nhìn của Ấn Độ đối với trật tự khu vực, trong đó Ấn Độ hướng tới việc duy trì quyền tự chủ chiến lược bằng việc gìn giữ “quan hệ đối tác chiến lược” của họ mà không bổ trợ cho khuôn khổ “liên minh chiến lược” mà Mỹ lên kế hoạch dẫn đầu.

Trật tự khu vực do Mỹ lãnh đạo chỉ thúc đẩy hoặc xác nhận rất ít lợi ích của các cường quốc mới nổi. Phần lớn kế hoạch cho khu vực của Mỹ trực tiếp hướng tới vốn đầu tư và tập trung vào việc kìm hãm Trung Quốc.

Ấn Độ được đánh giá là một “đối tác chiến lược” trong những nỗ lực này. Một cách tiếp cận rất khác biệt cũng được thực hiện với Nhật Bản và Australia.

Ấn Độ tự thấy họ là một nước không thích hợp ở trong nhóm, một nền kinh tế rõ ràng yếu thế hơn dù New Delhi và những nước này đã hợp tác rất ăn ý trong nhiều mạng lưới khác.

Cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có một số điểm trùng lặp với tầm nhìn châu Á của New Delhi. Tuy nhiên, tầm nhìn khu vực của Ấn Độ tương đồng nhiều hơn với ý tưởng mà Trung Quốc thúc đẩy theo một trật tự tập trung vào châu Á - nhưng không có Mỹ.

Trong một bài phát biểu gần đây tại hội nghị của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) ở Mumbai, Modi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục gắn kết với Trung Quốc và AIIB dưới khuôn khổ “quan hệ đối tác chiến lược” vì sự phát triển cơ sở hạ tầng bền vững ở Ấn Độ và châu Á.

Ấn Độ tìm cách nuôi dưỡng quan hệ đối tác khu vực với Trung Quốc chứ không phải từ bỏ nó.

Trên tất cả, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc đang được cải thiện ở thời kỳ hậu đối đầu Doklam.

Cuộc gặp gỡ giữa Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hạ Môn năm 2017 báo hiệu hai bên sẽ nhắm mục tiêu đến việc thúc đẩy một “mối quan hệ chuyển tiếp.” 

[Tư duy "ngược" trong cách hiểu về tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Đầu năm nay, hội nghị thượng đỉnh ở Vũ Hán giữa hai nguyên thủ quốc gia này đã đặt “mối quan hệ đối tác phát triển” mà họ thúc đẩy năm 2014 trở lại đúng hướng.

Hợp tác cơ sở hạ tầng là vấn đề rất quan trọng đối với “quan hệ đối tác phát triển” này. Để tiến trình được nối tiếp, Modi đã mời các công ty Trung Quốc đầu tư và hợp tác ở Ấn Độ trong khi vẫn tạo điều kiện cho việc đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và phát triển kỹ năng một cách bền vững.

Từ triển vọng này, Ấn Độ rất thận trọng khi xem xét việc ủng hộ quan điểm chống Trung Quốc của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ấn Độ không muốn đánh mất động lực đang được xây dựng trong mối quan hệ với Trung Quốc như thế này.

Tầm nhìn về trật tự khu vực của Ấn Độ không hoàn toàn phù hợp với trật tự khu vực do Mỹ dẫn đầu. Và chắc chắn việc cải thiện quan hệ với Mỹ không có nghĩa là Ấn Độ sẵn sàng từ bỏ việc xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc như một đối tác khu vực quan trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục