Cách tiếp cận ngoại giao của Trump đối với Triều Tiên đã thất bại?

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội lại cho thấy cách tiếp cận ngoại giao của Tổng thống Mỹ Trump trong nỗ lực nhằm buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên hủy bỏ chương trình hạt nhân đã thất bại.
Cách tiếp cận ngoại giao của Trump đối với Triều Tiên đã thất bại? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, trái) tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở Hà Nội ngày 28/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết trên trang mạng Vox, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã luôn tự tin về trực giác cũng như khả năng của mình trong đàm phán.

Tuy nhiên, rõ ràng những gì vừa diễn ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội lại cho thấy cách tiếp cận ngoại giao của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nỗ lực nhằm buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hủy bỏ chương trình hạt nhân của mình đã thất bại khi hai bên kết thúc cuộc đàm phán sớm hơn dự kiến mà không đạt được một thỏa thuận.

Trên thực tế, đối phó với Triều Tiên là vấn đề thực sự khó khăn bởi có nhiều đời Tổng thống Mỹ trước đó đã từng thử thúc đẩy vấn đề này, nhưng đều không thể tiến xa hơn được.

Chính vì vậy, cũng không đúng khi nói Tổng thống Trump đã thất bại với nỗ lực của ông bởi nhiệm vụ này quá lớn, và cũng có khả năng ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ đạt được một thỏa thuận trong tương lai.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng có trách nhiệm đối với việc ông tin vào trực giác của mình hơn là lắng nghe những lời khuyên của các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về cách thức tiến hành ngoại giao mang lại rủi ro cao này.

Tổng thống Trump đã đảo ngược nghi thức ngoại giao của Mỹ được áp dụng đối với Bình Nhưỡng trong nhiều thập kỷ khi đồng ý gặp mặt trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 6 năm ngoái tại Singapore nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán về hạt nhân.

Thay vì việc phải đạt được một thỏa thuận trước khi tổ chức một cuộc họp cấp cao như thông thường thì Tổng thống Trump lại quyết định tự mình sẽ đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên về những trọng tâm chiến lược của ông, và điều này khiến ông đã phải trả giá.

[Tổng thống Mỹ khẳng định có quan hệ tốt đẹp với Chủ tịch Triều Tiên]

Lẽ ra Tổng thống Trump phải rời Hà Nội với một thỏa thuận thuận mới để chứng minh được rằng phương thức tiếp cận của ông đã đem lại kết quả tốt hơn những phương thức truyền thống, nhưng ngược lại ông đã "tay trắng" khi quay trở về Washington.

Điều này có thể đã không xảy ra nếu như Tổng thống Trump chọn cách thức ngoại giao hiệu quả và đáng tin cậy, để các nhân viên ngoại giao, như đặc phái viên về Triều Tiên Stephen Biegun, tìm ra các chi tiết tốt hơn cho một thỏa thuận.

Sau nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, các nhà đàm phán ngoại giao này có thể đưa ra một thỏa thuận gần như đã sẵn sàng và Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc đó chỉ việc cùng nhau ký kết.

Cách tiếp cận này sẽ đảm bảo rằng bất cứ sự thất bại nào cũng chỉ là ở cấp độ thấp và công chúng ít ai biết đến, còn Tổng thống Trump sẽ là người được ca ngợi nếu thành công, đồng thời ông không phải tốn quá nhiều thời gian cho một hội nghị.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại chọn theo cách của riêng mình và giờ đây phải đơn độc trả lời cho những câu hỏi tại sao ông đã phải bay hàng nghìn dặm mà không đạt được một thỏa thuận nào sau khi kết thúc hội nghị.

Trong cuộc phỏng vấn trên CNN, ông Joseph Yun, cựu quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Triều Tiên cho rằng vấn đề chính là cách tiếp cận ngoại giao của chính quyền Tổng thống Trump và Mỹ có lẽ chưa chuẩn bị hết tất cả, hoặc chưa hiểu được hết những gì mà Triều Tiên mong đợi.

Chắc chắn rằng không ai, kể cả Tổng thống Trump, muốn lặp lại những gì vừa diễn ra tại Hà Nội. Và ở những cơ hội tiếp theo trong tương lai, có lẽ Tổng thống Trump sẽ nghe tư vấn của các chuyên gia nhiều hơn là trực giác của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục