Cải cách đã nâng chất lượng đào tạo học sinh châu Á

Theo OECD, các chương trình đào tạo giáo viên và cải cách giảng dạy đã giúp sinh viên các nước châu Á giành được thứ hạng cao.
Trong một nghiên cứu công bố ngày 7/12, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) đã nhấn mạnh các chương trình đào tạo giáo viên và cải cách giảng dạy đã giúp sinh viên các nước châu Á giành được thứ hạng cao về nghiên cứu khoa học.

Sinh viên Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản luôn đứng trong tốp 10 nước thành công nhất về khoa học của thế giới nhờ cải cách giáo dục và cải thiện thói quen học tập và nghiên cứu của sinh viên.

Tổng Thư ký OECD, Angel Gurria, cho rằng coi trọng giáo dục và chương trình giảng dạy thích hợp với đời sống hàng ngày là bí quyết thành công của sinh viên nhiều nước châu Á. Chương trình giảng dạy mới không chỉ cung cấp cho sinh viên các kiến thức về các vấn đề then chốt mà họ còn được giáo dục để hiểu và đối phó với những thách thức của cuộc sống thực.

Mặc dù thu nhập quốc dân và thành tựu giáo dục luôn gắn kết với nhau nhưng hai nước có cùng một mức độ thịnh vượng vẫn có thể có hai kết quả giáo dục khác nhau. Thực tế này cho thấy việc chia thế giới thành khối các nước giàu và giáo dục tốt và khối các nước nghèo và giáo dục kém đã trở nên lỗi thời.

Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) được OECD thực hiện ba năm một lần kể từ năm 2.000 đến nay đối với các học sinh độ tuổi 15 trong ba ngành học then chốt là toán, khoa học và tri thức cơ bản. Năm 2009, PISA được thực hiện ở khoảng 70 nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục